18.9.08

Xã luận số 57

Vạn lý Trường thành thời mới!!!

1- Vạn lý Trường thành là một kỳ công của dân tộc Trung Hoa. Đó là bức tường lũy nổi tiếng được liên tục xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 trước Công Nguyên cho tới thế kỷ 16 Công nguyên, để bảo vệ Trung Quốc khỏi các cuộc tấn công của những sắc dân và bộ tộc đến từ những vùng hiện thuộc Mãn Châu và Mông Cổ. Bức thành trải dài 6.352 km từ Sơn Hải Quan ở phía đông, tại giới hạn giữa Trung Quốc bản thổ và Mãn Châu, tới phía đông nam Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Nó nằm trong các danh sách "Bảy kỳ quan thời cổ của Thế giới" và được UNESCO công nhận như là Di sản nhân loại năm 1987. Vì là một công trình hi hữu trên thế gian nên người Trung Quốc thường nói: "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán", có nghĩa là nếu chưa đặt chân tới Trường Thành thì chưa phải là "anh hùng hảo hán" đích thực. Tuy nhiên, Vạn lý Trường thành, đặc biệt phần do vị vua đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây từ năm 220 đến năm 217, nổi tiếng vì một lý do khác nữa. Nó nổi tiếng vì đoạn thành lũy dài tới 2.000 cây số từ Lâm Đào (Lin Tao) thuộc tỉnh Cam Túc đến Trương Gia Khẩu mà chỉ xây trong có 4 năm, với một lực lượng công nhân khổng lồ bị cưỡng bức lao dịch mà phần lớn đã bỏ thây tại chỗ, khoảng chừng một triệu, khiến Vạn lý Trường thành được được đặt cho cái tên khủng khiếp: "Nghĩa địa dài nhất Trái đất." Theo sử ký của Tư Mã Thiên, nước Trung Hoa lúc ấy chỉ có 5 triệu dân trong đó một triệu bị cưỡng bách phải làm lao dịch để xây cất Trường thành. Theo kế sách của thừa tướng Lý Tư được Tần Thủy Hoàng phê chuẩn, ai không chịu đốt sách (ngoại trừ sử biên niên đời Tần, sách y dược và canh nông) sẽ bị cạo trọc đầu và thích chữ trên mặt để sau đó đưa đến đó làm lao dịch. Các phạm nhân thì đương nhiên phải làm khổ sai trên công trường này còn nông dân thì bị trưng dụng một cách tùy tiện mà không cần lý do nào cả. Sự bạo ngược tàn ác ấy đã khiến cho nhà Tần sớm bị tiêu vong (221-206). (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia vietsosu.com). 2. Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh 2008 (từ 8 đến 24 tháng 8) cũng là một kỳ công mới của dân tộc Trung Quốc. Nhiều con số thống kê đã cho thấy điều đó: Trước hết là cuộc rước đuốc Thế vận dài khoảng 137.000 km (vạn lý trường hành), xuyên qua hàng chục quốc gia, kéo dài trong vòng 130 ngày, với sự đóng góp của khoảng 20.000 nhân viên và lực sĩ. Đây là một cuộc rước đuốc dài nhất lịch sử Thế vận, gấp 40 lần cuộc rước đuốc đầu tiên năm 1936, do Hitler cho thực hiện với 3075 lực sĩ chạy dài 3075 cây số xuyên qua 7 quốc gia. Thứ đến, 37 địa điểm trong số đó có 14 mới xây dựng để làm nơi tranh tài. Sân vận động chính thức mang tên “Tổ chim” có thể chứa 91.000 khán giả. 303 huy chương vàng sẽ được phát trao. 10.500 lực sĩ từ 202 nước tham dự. 5.600 ký giả và nhiếp ảnh viên đã được cấp giấy phép theo dõi các cuộc tranh tài. 100.000 cảnh sát bảo đảm an ninh trong thủ đô. 600.000 tình nguyện viên giúp mọi công việc phục dịch trong thời gian thế vận. 9 triệu vé bán ra hết sạch một tháng trước ngày khai mạc. (Thế vận hội 2004 Athens, Hy Lạp chỉ bán được hai phần ba tổng số 5.3 triệu vé phát hành. Ngay cả thế vận hội 2000 Sydney, Úc Đại Lợi cũng chỉ bán được 87% tổng số vé). Đêm khai mạc tiêu tốn 80 triệu đôla Mỹ. Trước đó, trong thời gian 2002-2007 chánh quyền Trung Quốc đã đầu tư gần 40 tỷ Mỹ kim trong những dự án sửa chữa, tu bổ và xây mới hạ tầng cơ sở, từ một trạm mới tại phi trường Bắc Kinh dài gần ba cây số đến những xa lộ mới, những đường phố mới, những tuyến xe điện ngầm mới, 110 khách sạn mới, nhiều tiệm ăn sang trọng v.v… Cộng vào đó, chánh quyền còn chi trên ba tỷ rưỡi Mỹ kim để biến Bắc Kinh thành một thành phố điện tử với một hệ thống truyền thông vô tuyến rất tinh vi. Tuy nhiên, Thế vận hội Bắc Kinh cũng đồng thời là Thế vận gây nhiều tai tiếng nhất và nhiều chống đối nhất trong lịch sử. Trước tiên là cuộc rước đuốc. Thoạt đầu, nó được chính quyền Bắc Kinh phong tặng cho cái tên "Hành trình của sự hài hoà" để đánh bóng cho chủ nghĩa "vươn lên hài hoà" mà cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã đề ra để ám chỉ sự vươn mình trỗi dậy không tham vọng bá quyền của Trung Cộng!?! Thế nhưng, mở đầu với cuộc đàn áp nhân dân Tây Tạng và chiếm cứ đất đai Việt Nam (bản đồ rước đuốc ngang nhiên vẽ Hoàng Sa Trường Sa là lãnh thổ Trung Cộng), hành trình rước đuốc ấy đã chẳng được hài hoà hay tạo được hoà thuận tí nào của nhiều người dân tại nhiều quốc gia khác nhau trên các chặng đường tiếp rước ngọn đuốc. S ự phản đối rầm rộ khắp toàn cầu đã khiến cuộc rước đuốc vòng quanh thế giới biến thành trò hề với những cảnh chạy trốn nhủi như bầy chuột. Mỉa mai hơn nữa, song hành với ngọn đuốc sặc mùi “bá quyền” ấy là ngọn đuốc nhân quyền tự do! Để chuẩn bị cơ sở cho Thế vận hội, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất chấp tất cả mọi quy tắc nhân quyền. Một thí dụ cụ thể là để xây cất lên Làng Thế Vận (Olympic Village), các tập đoàn lãnh đạo cộng sản kiêm trùm tư bản đỏ ở thủ đô đã giải toả nhiều khu vực dân cư đông dân nghèo đã sống qua nhiều đời tại thành phố. Số dân bị giải toả mất nơi ăn chốn ở này là 1.5 triệu. Đa số trong họ không biết tái định cư nơi đâu, cũng như đã chẳng nhận được tiền bồi thường cho dù rất ít, trong khi đó một số kẻ có quyền thế lại trở thành những sở hữu chủ đầu tư địa ốc trong khu vực Làng Thế Vận, khiến giá cả nhà đất bị đẩy lên tận chín tầng mây ở Bắc Kinh. Sự kiện này đã khiến Ủy Ban Thế Vận Quốc tế (IOC) phải đưa ra nhiều quy định mới về nhân quyền là từ nay các nước đăng cai tổ chức Thế vận phải bảo đảm an cư lạc nghiệp cho những người dân bị giải tỏa đất đai nhà cửa. Gần tới ngày khai mạc (8-8-2008), nhà cầm quyền Trung Hoa lại loan báo nhiều biện pháp đặc biệt cho kỳ Thế vận thứ 29 này : Cấm cản sự luân lưu tin tức trên internet. Có một số trang mạng bị ngăn chận bằng tường lửa, không ai vào được. Chẳng hạn của Amnesty International (Ân xá Quốc tế), của đài BBC, đài Á châu Tự do, Tiếng nói Hoa Kỳ, của tờ Liberty Time (Đài Loan), Apple Daily (Hương Cảng), trang mạng Tibet.com của người Tây Tạng, Faluninfo.net của Pháp Luân Công… Biện pháp này đi ngược lại lời hứa của nhà cầm quyền Trung Cộng đối với Ủy ban Thế vận Quốc tế lúc được chọn tổ chức Thế vận hội. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh còn cấm một số người không được tới Trung Quốc hay Bắc Kinh nhân dịp này. Đó là những nhà báo nhân quyền hay nhà vận động dân chủ có trong sổ đen. Thậm chí những người mắc bệnh sida cũng bị. Các cách hành xử man rợ ấy, y như kiểu đốt sách chôn học trò thời Tần Thủy Hoàng, đã gặp sự phản đối của thế giới, khiến chỉ vài hôm trước lễ khai mạc, đã xảy ra liên tiếp những hành động chống đối chế độ ngay trong lòng Thế Vận hội. Trước hết, Tổng thống Bush từ Nam Hàn đã lên tiếng đòi hỏi Trung Cộng chấm dứt giam giữ các tù nhân chính trị, tôn trọng các quyền tự do căn bản. Kế đến, tại Berlin, trên 100 lực sĩ nổi tiếng của nhiều quốc gia đã cùng ký tên kêu gọi lãnh tụ Hồ Cẩm Đào bảo vệ quyền con người. Chiến dịch này đã được sự yểm trợ của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Ngay tại quảng trường Thiên An Môn, có 3 tín đồ thuộc Liên minh Bảo vệ Kitô giáo (Christian Defence Coalition) đã biểu tình chống đối chính sách đàn áp tôn giáo, nhân quyền và cưỡng bách phá thai của Trung Cộng. Ly kỳ nhất là sáng sớm hôm 7-08, 4 thành viên "Nhóm sinh viên yểm trợ Tây Tạng tự do" đã treo được biểu ngữ thật lớn trên độ cao mấy chục mét nhằm đòi hỏi tự do cho Tây Tạng ngay trong khuôn viên Thế Vận hội. Rồi bất chấp sự kiểm soát gắt gao của an ninh Trung Quốc, vài giờ trước lễ khai mạc, tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã cướp được sóng của một đài phát FM ở Bắc Kinh để phát đi các thông điệp kêu gọi tự do ngôn luận. Bị thế giới la ó về quyền này, nhà cầm quyền CSTQ đã cho thiết lập một “Khu vực biểu tình đặc biệt” dành riêng cho dân oan nhân Thế vận hội. Nhưng chính m ột dân oan của tỉnh Gansu tên Hong Xiaoping đã cho Đài Á châu Tự do biết rằng: “Thiết lập các khu vực cho phép biểu tình chỉ nhắm mục đích duy nhất là chế độ sẽ kiểm soát dân oan cặn kẽ hơn. Nhất định tôi sẽ tránh xa những nơi đó. Đấy chả là gì cả mà chỉ là một cái bẫy chính trị. Hễ ai mà đến thì sau đó sẽ bị bắt liền!” Rồi từ hôm khai mạc đến giờ, giới truyền thông quốc tế còn tới tấp đăng tải chuyện "làm hàng giả mạo" của Trung Quốc: pháo bông giả (dàn dựng bằng vi tính), ca sĩ giả (hát nhép), lực sĩ giả (khai gian tuổi), đại diện sắc tộc giả (toàn là tộc Hán hóa trang), khán giả giả (công an, hoặc thường dân bị ép buộc), tính điểm giả (ghi thiên vị)… Trung Quốc quả đã ngang nhiên lừa phỉnh thế giới và khinh rẻ tinh thần Thế vận hội không chút ngượng ngập. Nói tóm lại, Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh quả là một Vạn lý Trường thành mới của Trung Quốc. Nó được xây nên với nhiều thành tích vĩ đại trên phương diện tổ chức, tài chính, nhân sự, kỹ thuật... Nhưng những thành tích đó đã đạt được bằng dối trá, lừa gạt, bạo hành, cưỡng bức. Những món tiền khổng lồ hoang phí đã bỏ ra không cần ý kiến của nhân dân, những mảnh đất xây dựng các cơ sở Thế vận không cần bồi hoàn cho gia chủ chính là mồ hôi nước mắt của bảy tám trăm triệu con người đang sống trong cùng cực tại Hoa lục. Những màn trình diễn hoành tráng nhưng gian dối đã được tổ chức chẳng phải để tạo tình thân ái, liên đới giữa các quốc gia mà chỉ để thị uy với thế giới và hăm dọa các nước láng giềng trong đó có tiểu quốc Việt Nam. Chẳng khác chi Vạn lý Trường thành thời Tần Thủy Hoàng đã xây với mồ hôi, nước mắt, xương máu của hàng triệu sinh linh vô tội. Các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản, bao giờ cũng là như thế. Vì các chế độ ấy chẳng hề thăng tiến con người, phục vụ nhân sinh, một chỉ củng cố ngai vàng của những kẻ thống trị. Thế nhưng, sự gian ác bạo ngược là nọc độc sẽ sớm kết liễu các chế độ phi nhân này. BAN BIÊN TẬP

Thế vận Bắc Kinh vi phạm Nhân quyền

Babui – Danchimviet.com


TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________