28.8.09

Bán nguyệt san TỰ DO NGÔN LUẬN
Vài hàng giới thiệu

(nhân dịp Bán Nguyệt San được trao giải Nhân quyền Việt Nam 2008)

Khoảng cuối tháng 03-2006, trong lúc chuẩn bị cho ra đời Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho VN (sau này sẽ gọi là Tuyên ngôn 8406, vì công bố ngày 08-04-2006), chúng tôi (4 anh em Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền và một số anh chị em giáo dân hải ngoại) đã bàn tới chuyện ra một tờ báo để khẳng định quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền mà Tuyên ngôn 8406 sẽ nói tới. Có người đề nghị là hãy làm đơn xin phép nhà cầm quyền CS cho ra báo công khai, họ cho phép thì tốt, họ không cho phép thì mình vẫn cứ tiến hành. Ý kiến ngược lại: làm như thế là mình công nhận chế độ này dù sao cũng phần nào có tính chính đáng và việc xin phép là điều xem ra phải lẽ! Không được! Chế độ này là chế độ bất hợp pháp, và việc ra báo là một nhân quyền mà quốc tế công nhận. Kết luận: tất cả đồng ý ấn hành một tờ báo, không xin phép nhà cầm quyền, lấy tên “Tự do Ngôn luận”, rồi ra sao thì ra! Tồn tại một số duy nhất cũng được, miễn là mình can đảm thể hiện quyền tự do ngôn luận của người dân. Chính vì thế mà trong “Đôi lời cùng Bạn đọc” mở màn số 01, có câu:

TỰDO NGÔN LUẬN ra đời, trước hết là để khẳng định và đồng thời thực hiện quyền tự do căn bản đó. Chúng tôi mạnh dạn vượt qua những cấm cản vô lý vô luật của nhà cầm quyền cộng sản Việt Namđể cho nó ra mắt mà không xin phép. Thứ đến, tuy tài hèn sức mọn, chúng tôi cũng nhắm mục đích cung cấp cho đồng bào những tin tức chân thực và những nhận định đúng đắn nhất có thể về hiện trạng Đất nước đủ mọi mặt, trong ước vọng và xác tín rằng "Sự Thật sẽ giải thoát chúng ta", giải thoát chúng ta khỏi đám mây đen của mù quáng vô tri, khỏi bức tường ngăn chận sự thật và bưng bít thông tin của ý thức hệ độc tôn Mác xít, khỏi ngục tù giam nhốt tim óc của chế độ độc tài Cộng sản, khỏi gông cùm sợ hãi của một bộ máy cầm quyền chỉ biết cưỡng bức trí lòng và hăm dọa cuộc sống nhân dân để thống trị”.

Tờ báo tự mệnh danh là "Tiếng nói của người dân Việt Nam đòi quyền tự do thông tin ngôn luận", chủ trương "không kinh doanh", chỉ in ấn phát tặng miễn phí cho đồng bào. Tôn chỉ của tờ báo là: đấu tranh hòa bình bất bạo động, vạch trần mặt thật Hồ Chí Minh, giải thể chế độ cộng sản độc tài.

Ban đầu chúng tôi dự định ra số 01 vào ngày 01-04-2006, nhưng sực nhớ đó là ngày Cá tháng Tư (Poisson d’Avril, April Fool’s Day), ngày nói láo, một điềm triệu không tốt, nên đã chọn ngày 15-04 cho nó xuất hiện. Linh mục Chân Tín làm chủ nhiệm, hai linh mục Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi đứng ban biên tập. Hải ngoại (nhà văn Trần Phong Vũ và nhóm thân hữu) phụ trách trình bày (layout) còn quốc nội phụ trách chọn bài (với sự góp ý đôi lúc của hải ngoại), phụ trách in ấn và phát hành trong nước. Tờ báo được đưa cả lên mạng.

Thật không ngờ là nó đã gây được tiếng vang ngay. Nhiều trang mạng và diễn đàn của đồng bào VN khắp nơi đã chào mừng nó. Chẳng hạn Vietland News,ngày 13-4-2006 đã viết : “Một bước đột phát trong nỗ lực phá vỡ chính sách độc tài bưng bít thông tin của CSVN, lần đầu tiên một tờ báo tư nhân không chịu sự kiểm soát của nhà nước đã được phát hành dưới 2 hình thức điện tử và báo in. Đó là bán nguyệt san "Tự Do Ngôn Luận", số 1 đề ngày phát hành là 15-4-2006, nhưng trong ngày 12-4 đã kín đáo được một số người phổ biến chuyền tay tại một số thành phố lớn”. Đài phát thanh Á châu Tự do (02-06-2006) cũng có đề cập: “Tại Việt Nam, hoạt động báo chí tư nhân tự do vẫn chưa được chính quyền Hà Nội cho phép. Tuy nhiên, từ ngày 15 tháng 04 vừa qua, một nhóm các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đã căn cứ vào Hiến pháp và quyền căn bản của con người đã cho ra đời bán nguyệt san mang tên Tự Do Ngôn luận”. Thậm chí một trang mạng tại Tiệp Khắc http://vietnamskaopoziceinfo.sweb.cz/News/Index.htmcũng viết một bài nhan đề “Informační centrum o opozičním hnutí ve Vietnamu” và chụp nguyên nửa trang đầu số 01 của tờ báo. Nhiều cây viết của hải ngoại cũng đề cập tới sự xuất hiện của tờ báo, lần đầu tiên sau 60 năm chế độ Cộng sản, như bài “Góp phần tháo gỡ guồng máy độc tài” của BS Trần Đức Tường. Đang lúc đó thì 2 thành viên ban biên tập trong nước chờ công an đến tịch thu mọi phương tiện in ấn và tặng một còng số 8 cho mình. Cả hai cũng đã quyết định sẽ không trả lời mọi chất vấn của Cộng sản về việc ra tờ báo (có xin phép không? ra để làm gì? phát tặng cho ai? người nào tài trợ?...) cũng như không ký vào biên bản “tịch thu tang vật” (nếu có), vì cả hai quan niệm đó là một hành vi ăn cướp.

Thế rồi chẳng có chuyện gì xảy đến! Tờ báo vẫn tiếp tục ra đều đặn. Ban đầu 28 trang, rồi 30 trang, và từ số 12 (01-10-2006) thì dừng lại ở 32 trang, khổ giấy A4. Từ số 04, trong ban biên tập, thêm tên ký giả Nguyễn Khắc Toàn và từ số 10 tên luật sư Nguyễn Văn Đài. Nhưng việc để tên hai vị này là để động viên tinh thần của họ, chứ họ không trực tiếp biên tập. Kể từ số 3, vì thấy việc chuyển qua chuyển về giữa hải ngoại với quốc nội để hoàn chỉnh cách trình bày tỏ ra có dấu bất tiện, nên quốc nội kiêm luôn việc trình bày, dàn trang. Đến hôm nay (06-12-2008) thì tờ báo đã ra tới số 64.

Nội dung mỗi số báo, nếu ai để ý thì sẽ thấy ngoài bài xã luận (nói lên chủ đề số báo, nhận định về biến cố thời sự nóng bỏng nhất liên quan tới chính trị, xã hội, nhân quyền tại VN), báo chia làm bốn phần, bốn mảng: luật pháp, tôn giáo, chính trị và xã hội, với nội dung không quá dài dòng, không quá hàn lâm (ai đọc cũng hiểu). Phần luật pháp gồm những bài viết nghiên cứu các nhân quyền và dân quyền dưới khía cạnh pháp lý để giúp đồng bào quốc nội biết đâu là những quyền tự nhiên của họ mà chế độ CS luôn che giấu, xuyên tạc hay giải thích sai. Phần này cũng gồm các Lời tuyên bố, Thỉnh nguyện thư, Kháng thư, Tâm thư của các tổ chức trong và ngoài nước, bởi lẽ các bản văn này ít nhiều liên quan đến vấn đề pháp luật hay dựa trên các khoản luật. Phần tôn giáo gồm những bài viết trình bày sự bách hại đối với các giáo hội tại VN (chủ yếu là Phật giáo Thống nhất, Hòa hảo Thuần túy, Tin lành, Công giáo), cuộc đấu tranh giành tự do độc lập của các tôn giáo này hay quan điểm của tôn giáo nào đó về vấn đề nhân quyền, chính trị, xã hội.... Phần chính trị gồm những bài trình bày các giá trị khác nhau của nền dân chủ như tự do dân chủ, đa đảng đa nguyên, bầu cử ứng cử, nhân quyền dân quyền, những bài tố cáo vạch trần các quan niệm sai trái xuyên tạc của cộng sản về các giá trị ấy hoặc những bài viết về biến cố thời sự nóng bỏng nhất liên quan tới chính trị, xã hội, nhân quyền VN. Phần xã hội (hay còn gọi là lịch sử) bao gồm các bài viết trình bày tội ác của Hồ Chí Minh, của đảng CSVN hay của các đảng CS trên thế giới trong quá khứ (như Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Tết Mậu thân....), trình bày những cuộc đàn áp của Cộng sản VN hiện thời đối với các nhà dân chủ tranh đấu, các dân oan khiếu kiện, các công nhân đình công, các sinh viên biểu tình v.v... Điểm xuyết thêm là một hay hai bài thơ tranh đấu trong mỗi số báo, và một hình biếm họa, thường lấy của họa sĩ Babui hay họa sĩ Nguoivehuu trên trang mạng Đàn Chim Việt (dcvonline.net). Các bài đăng trong báo, một số lấy từ trên mạng, một số do nhiều cây viết trực tiếp gởi tới.

Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng bào hải ngoại về mặt tài chánh (đặc biệt Nhóm Lương tâm Công giáo, Khối 1706, Khối 1906 và nhiều nhóm Yểm trợ Dân chủ…), nhờ sự điều hành tài tình của cha Lý và lòng can đảm của các chiến sĩ quốc nội, đặc biệt thuộc Khối 8406, tờ bán nguyệt san đã được chuyển đi khắp cả nước, tặng miễn phí, chứ không chỉ tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Có lúc nó đã được in tới 20.000 bản/số. Nó đến với mọi giới đồng bào (dân thường, học sinh, sinh viên, giáo sư đại học, chức sắc tôn giáo, kể cả lực lượng quân đội, công an và viên chức nhà nước, vào tận trung ương cầm quyền Hà Nội). Một tòa đại sứ tại Hà Nội, cuối năm 2006, cũng đã gởi thư xin các số báo từ đầu đến cuối lúc bấy giờ. Một vị học giả khác thì xin đủ các bài xã luận. Đặc biệt, trong số những người góp tay in ấn và phổ biến trong nước, có cả vài đơn vị công an và quân đội cũng như vài đoàn thể giáo chức.

Tại hải ngoại, tờ báo cũng được đồng bào đón nhận và thương mến. Nhiều chuyên gia vi tính đã thiết kế trang web riêng cho tờ báo như http://tudongonluan.atspace.com(của ông bà Nguyễn Dương + Ngọc Yến), nhiều websites lưu giữ hay nối kết (tạo đường links) với tờ báo như http://khoi8406vn.blogspot.com, www.tdngonluan.com, www.luongtamconggiao, www.tudodan chuvietnam.net, www.viet.nov.v... Tờ báo còn được in ra tại Hoa Kỳ (do nhóm Lương tâm Công giáo), tại Anh (do Khối 101206), tại Úc (do Khối 1906), tại Canada (do Nhóm Thân hữu yểm trợ Tự do Dân chủ Việt Nam ở Vancouver)… để gây tinh thần yểm trợ cho quốc nội. Tổ chức Reporters Sans Frontières (Phóng viên Không biên giới) thường xuyên đăng Tự do Ngôn luận trên trang web của mình (www.rsf.org). Trong danh sách đề cử nhận giải thưởng thường niên của Tổ chức này năm 2007, hạng mục “Media”, có tờ Tự do Ngôn luận của Việt Nam. Ngoài ra, bài xã luận của báo thường được nhiều đài phát thanh hải ngoại đọc hay được nhiều báo điện tử,trang mạng điện tử đăng lại. Vinh dự mới nhất dành cho tờ bns nhỏ bé này chính là Giải Nhân quyền Việt Nam 2008 do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng (nhận cùng với Thượng tọa Thích Thiện Minh và nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải vào ngày 14-12-2008 tại Westminster, California, Hoa Kỳ)

Có thể rồi đây Cộng sản sẽ tấn công tờ báo, tịch thu phương tiện, bắt bớ ban biên tập, sau khi nó đã xử án và cầm tù một trong những biên tập viên của tờ báo là linh mục Nguyễn Văn Lý kể từ ngày 30-3-2007. Tuy nhiên, một ban biên tập dự bị đã sẵn sàng để tiếp nối công việc, vì bán nguyệt san quyết tâm tồn tại cho tới ngày chế độ CS hoàn toàn bị giải thể tại Việt Nam.

Viết ngày 25-04-2007, cập nhật ngày 06-12-2008

Lm Phêrô Phan Văn Lợi, Huế, VN


TRỞ VỀ MỤC LỤC

_________________________________________