7.8.09

Xã luận 73

Những dấu hiệu thiện chí?!?

1- Hôm 17-03-2009 tại Hà Nội, lần đầu tiên giới học giả tại Việt Nam (khoảng 100 người) được cho phép hội thảo chính thức về tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, một chủ đề lâu nay vẫn bị đảng coi là “nhạy cảm”. Cuộc hội thảo do Học viện Ngoại giao - Chương trình nghiên cứu Biển đông của Việt cộng tổ chức và mang tên "Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế". 14 diễn giả, chỉ trong một ngày, đã đọc tham luận chia làm ba nhóm chủ đề: Lịch sử các quá trình tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng tại biển Đông; Luật pháp quốc tế và tranh chấp chủ quyền tại biển Đông; Biển Đông và quan hệ quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đến ngày 30-3, cũng lại lần đầu tiên, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng CSVN đã chính thức phát động tại Hà Nội cuộc thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam”. Phối hợp tổ chức cuộc thi có báo Điện tử Đảng, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Tư lệnh Hải quân, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Đài Tiếng nói VN, Đài Truyền hình VN và một số tờ báo… Trưởng ban tổ chức, ông Đào Duy Quát, Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng cho biết: “Cuộc thi nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền biển, đảo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo nước ta; thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc”. Được tham dự cuộc thi là người Việt Nam trong lẫn ngoài nước và người ngoại quốc, có trao giải thưởng hàng tuần cho thí sinh trắc nghiệm và cuối cuộc thi cho thí sinh viết bài (tháng 8-2009).

Chưa hết sửng sốt ngỡ ngàng vì những động thái này của nhà cầm quyền, người dân Việt Nam lại chứng kiến thêm một sáng kiến nữa. Đó là vào ngày 09-04, tại Hà Nội, một cuộc Hội thảo khoa học về các dự án bauxite Tây Nguyên đã được Phó Thủ tướng CSVN Hoàng Trung Hải chủ trì. Cuộc hội thảo có 50 tham dự viên gồm các nhà khoa học và nhà văn hóa cả nước. Với 11 báo cáo khoa học và 23 ý kiến thảo luận cũng nội trong một ngày, các đại biểu đã cùng mổ xẻ hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, văn hóa, xã hội của các dự án bauxite Tây Nguyên.

Các tin tức nêu trên làm một số kẻ nức lòng. Có người không ngần ngại cho rằng Hà Nội đã bật đèn xanh cho một phong trào dân tộc thượng tôn, toàn dân cứu nước. Tại hải ngoại lại có vài cá nhân và tổ chức đã công khai hoặc kín đáo kêu gọi mọi người Việt hãy kết hợp với đảng CS để quyết liệt chống Tàu. Vài người còn nêu bật phương châm: “Cứu nước trước! Chống Cộng sau”!?!

2- Phân tích chi tiết và nhận định toàn cục, người ta thấy rằng cuộc hội thảo hôm 17-03 gần như chỉ có sự quy tụ của giới học thuật, chuyên gia và một số nhà báo tại Việt Nam, chẳng có quan chức chính quyền. Đáng để ý hơn nữa là các học giả Việt Nam ở nước ngoài có nghiên cứu vấn đề lại không được mời tham dự (nếu có về thì lại bị trục xuất ngay như giáo sư Nguyễn Hưng Quốc hôm 05-04 vừa qua chăng?). Trong cuộc hội thảo, người ta còn phanh phui ra nhiều chuyện đáng lo, nếu không muốn nói là động trời. Một diễn giả đã cho thấy Trung Quốc “rất chú trọng đến việc chuẩn bị dư luận trong vấn đề biển Đông… không từ bỏ một thủ đoạn nào, diễn đàn nào để khẳng định chủ quyền của họ”. Đang khi dư luận Việt Nam chưa được tiếp cận thông tin về các sự thực lịch sử, các cơ sở pháp lý của Việt Nam trong tranh chấp biển Đông. Ai từng muốn đánh động về điều này qua các cuộc biểu tình, các bài phát biểu thì đã bị gọi về đồn hay tống vào ngục. Có diễn giả cảm thán: “Từ 1909 đến nay, đúng một thế kỷ tranh chấp chủ quyền về biển Đông, nhưng Việt Nam vẫn chưa biết sử dụng kết quả nghiên cứu, chưa biết tập hợp lực lượng… Nhiều nhà nghiên cứu (trong nước) cứ thấy mình như đang làm một việc bất hợp pháp, cần phải giấu kỹ”. Trong khi đó, Trung Quốc đào tạo học giả, công bố tài liệu và rao giảng vấn đề khắp thế giới. Rồi người ta chẳng thấy sau cuộc hội thảo hy hữu nói trên, ban bệ nào đã được thành lập, chương trình nào đã được tung ra nhằm cụ thể hóa những kiến nghị.

Cuộc thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam”, phát động do Ban Tuyên giáo Trung ương, tên cảnh sát tư tưởng, tên lãnh chúa văn hóa, tên công an bịt miệng cực kỳ tàn bạo (x. Hồi ký một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải mới xuất bản), đã tạo ra nhiều thắc mắc trong quần chúng: Đây có thực là việc thăm dò lòng yêu nước của người Việt Nam, có thực là việc động viên dân tộc để chiến đấu và bảo vệ tổ quốc? Nếu thế thì tại sao dịp kỷ niệm 30 năm cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Cộng (17-2 đến 05-3-1979) -lúc mà dự án về cuộc thi có lẽ đã được xem xét- bao nhiêu phản ứng từ những cựu chiến binh biên giới ngày ấy, từ những con người biết rõ sự thật lịch sử vụ việc vẫn tiếp tục bị bịt miệng, bao nhiêu nấm mộ các anh hùng tử sĩ vẫn khói lạnh hương tàn, đang khi các nghĩa trang đoàn quân xâm lược (gần 40 cái trên đất Việt Nam) thì lại được hương hoa tưởng niệm. Rồi người dự thi đương nhiên phải để lại thông tin, họ tên, địa chỉ… Bài dự thi sẽ được săm soi kỹ lưỡng và kẻ nào chống đối thì bị khoanh vùng nhanh gọn. Phải chăng đây là một âm mưu khéo léo để dụ những con người yêu nước thực sự lộ diện hầu dễ tiêu diệt, y như vụ Nhân văn Giai phẩm và vụ Góp ý cho đại hội X của đảng năm nào? Ngoài ra, ngày 13-05 đã hết hạn đệ trình bản đồ lãnh hải nhưng cuộc thi lại kết thúc vào tháng 08. Vậy là chẳng có tác dụng gì, chẳng để làm gì, chẳng có ý nghĩa gì cho cái tình hình căng thẳng sắp tới cả.

Về cuộc Hội thảo khoa học quanh các dự án bauxite Tây Nguyên vào ngày 09-04, trước hết người ta nhận thấy chẳng có thành viên nào trong bộ chính trị (vốn có quyền lực tuyệt đối) hiện diện, rồi sau khi nghe nghe gần 20 bài phát biểu súc tích, tâm huyết, cụ thể, với một kết luận hầu như đồng thuận là phải chấm dứt ngay việc khai thác do Trung Cộng thực

hiện này, phó thủ tướng vô thực quyền Hoàng Trung Hải đã kết luận một cách độc đoán rằng chủ trương của bộ chính trị đảng CS và chính phủ về khai thác bauxite như hiện nay là đúng đắn, vì đây là một nguyên liệu phải tìm cách tận dụng. Chỉ cần quan tâm thêm đến việc quản lý công việc, bảo vệ môi trường, rồi làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó, và khi cần thì sẽ điều chỉnh!?! Đây chỉ là kiểu nói vuốt đuôi để xoa dịu mọi chống đối phẫn nộ. Hoàng Trung Hải khẳng định dự án Tân Rai ở Lâm Đồng vẫn tiến hành theo dự định, chẳng đả động gì đến việc hàng chục ngàn người Trung quốc (mà có thể là binh lính trá hình) đang có mặt và hàng ngàn người khác đang ào vào mỗi ngày tại yết hầu, thắt lưng, yếu huyệt của Việt Nam. Nghĩa là mọi sự đều như cũ! Mặc cho ông Nguyễn Văn Ban nêu rõ Tây Nguyên xa biển, hiếm nước, giá bauxite hiện rất thấp trên thị trường quốc tế, khai thác không lợi còn nhiều hại. Mặc cho ông Nguyễn Ngọc Chất chỉ ra thảm họa sinh thái, sự lỗ lã của đường sắt từ vùng cao xuống bờ biển. Mặc cho ông Nguyễn Trung chỉ ra những bất cập về môi trường, những tốn kém, thiệt hại cho cuộc sống do các bãi thải. Mặc cho nhà văn Nguyên Ngọc cảnh báo rõ rệt về thảm họa gây ra cho văn hóa độc đáo của các sắc tộc ít người. Mặc cho nhà sử học Dương Trung Quốc chất vấn nghiêm khắc sao không trình Quốc hội (cơ quan quyền lực cao nhất theo danh nghĩa) để xem xét kỹ. Mặc cho ông Lê Văn Cương nêu bật vấn đề an ninh quốc phòng, vì từng có 2 cuộc bạo loạn trên vùng đó, chưa kể kinh nghiệm của thời điểm 1975.

3- Những động thái nêu trên rõ ràng không phải là những dấu hiệu thiện chí của một nhà cầm quyền, một đảng trị nước đang biết nghe tiếng lương tâm, tiếng đồng bào, tiếng lẽ phải. Như bao nhiêu lần trong lịch sử 60 năm nay, đó chỉ là một kiểu đóng kịch, trò phường tuồng của đảng CSVN nhằm thoát sức ép của dư luận, hóa giải những chống đối, gỡ ngòi nổ cho cuộc nổi dậy của toàn dân đang chuẩn bị bùng ra, hầu tiếp tục giữ quyền lực.

Vì nếu thành tâm phục thiện, sẵn sàng hòa giải với toàn dân để vận động dân tộc kết đoàn cứu nước trước hiểm họa Trung Cộng vốn ngày càng lộng hành trên đất và trên biển Việt Nam, đảng CSVN phải lập tức thực hiện những việc sau đây: (1) công bố cho quốc dân toàn bộ các văn kiện: Hiệp định lãnh thổ năm 1999, Hiệp định lãnh hải năm 2000 (kèm theo bản đồ); (2) nộp lên Liên Hiệp Quốc bản đồ lãnh hải VN đúng với lịch sử và với luật biển quốc tế trước ngày 13-05-2009, cùng lúc thông báo tài liệu này cho toàn thể mọi người Việt; (3) trả tự do lập tức và vô điều kiện cho tất cả mọi tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam giữ, đặc biệt các tù nhân đã phản đối việc Trung Cộng xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (như ký giả Nguyễn Hoàng Hải, giáo viên Vũ Hùng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, chiến sĩ Phạm Thanh Nghiên, sinh viên Ngô Quỳnh, nhà thơ Trần Đức Thạch, kỹ sư Phạm Văn Trội, dân oan Nguyễn Văn Túc...); (4) ngưng ngay dự án cho Trung Cộng khai thác khoáng sản tại Tây Nguyên và mời các công nhân Trung Quốc ra khỏi nước, đồng thời bỏ luôn đạo luật miễn hoàn toàn visa cho họ; (5) cho tàu hải quân bảo vệ ngư dân Việt Nam đánh cá tại Biển Đông, phải bảo đảm cho họ không bị Trung Cộng sách nhiễu, xua đuổi, hạ sát như ngư dân Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc lâu nay vẫn đánh cá an toàn.

Nhưng tới bây giờ, xem ra đó cũng chỉ là những ước vọng không tưởng, những gáo nước đổ trên đầu một lũ vịt chỉ còn biết nhắm mắt thần phục anh cả đỏ, đại đồng chí, nước lớn Bắc phương. Thành thử toàn dân cần theo lời Hòa thượng Quảng Độ, thực hiện cuộc Bất tuân dân sự-Biểu tình tại gia trong tháng năm hầu tạo nên sức mạnh lật đổ cái ác đảng vô tổ quốc, vô gia đình này.

BAN BIÊN TẬP


TRỞ VỀ MỤC LỤC

_________________________________________