Khi quyết định thành lập Hội đồng Nhân quyền vào năm 2006, Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc cũng đồng thời thiết lập một cơ chế mang tên Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập (Universal Periodic Review, gọi tắt là UPR), để duyệt xét việc thực hiện nhân quyền của toàn bộ các nước thành viên 4 năm một lần. Cuộc kiểm điểm tiên khởi đã bắt đầu từ tháng 04-2008 và theo lịch trình VN sẽ trình bày báo cáo của mình vào ngày 8-5-2009 tại trụ sở Hội đồng Nhân quyền ở Genève, Thụy Sĩ.
1- Ngay trước ngày Việt Nam phải trình bày tình hình nhân quyền trong nước với Hội đồng này thì nhiều “tin dữ” ập tới dồn dập. Chẳng hạn hôm 30-4, Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) đã công bố danh sách 10 quốc gia mà tổ chức này cho là “khó khăn nhất đối với các blogger”, trong đó có Việt Nam. Hồi tháng 3, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) cũng đã đưa ra danh sách 12 quốc gia “thù nghịch với internet”, VN có trong đó. Đến ngày 01-05, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ tái đề nghị đưa VN trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC) về vi phạm tự do tôn giáo. Đến ngày 04-05, trong bản phúc trình tựa đề "Vẫn chưa phải là thiên đường cho công nhân", Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã nêu ra những vụ đàn áp của nhà cầm quyền VN đối với các công đoàn độc lập cũng các chiến sĩ hoạt động cho quyền lợi của công nhân.
Những lời cảnh báo đó của thế giới đã vạch trần bộ mặt gian trá của “Báo cáo Quốc gia Kiểm điểm Định kỳ việc Thực hiện Quyền Con người ở VN” (một bản văn dài 22 trang, phân thành 89 số, được Bộ Ngoại giao soạn thảo với sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước và công bố hôm 23 tháng 3). Nó nhanh chóng gặp phải sự chỉ trích của đồng bào khắp nơi lẫn thân hữu quốc tế vì chứa vô số điều xuyên tạc sự thật và phản ánh những cách suy nghĩ lẫn hành động lỗi thời, không phù hợp với những nguyên tắc nhân quyền phổ quát của thế giới văn minh dân chủ hiện đại.
Trước hết, tất cả những gì gọi là các Quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa (các số 17-38) -trình bày qua hàng loạt con số thống kê mà không ai có thể truy nguyên kiểm chứng và qua vô số bộ luật mà không ai có thể xác minh hiện thực- đều bị thể chế độc đảng toàn trị biến thành bánh vẽ hoàn toàn. Bánh vẽ này lại càng to hơn khi nhét vào miệng các “nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật”, x. các số 39-56). Ai chẳng biết đó là những thành phần tiếp tục bị thiệt thòi nhất, tổn thương nhất do lối quản lý xã hội kiểu tham lam, ngu dốt và coi khinh con người của CS. Tiếp đến, báo cáo của Hà Nội -với giọng lưỡi gỗ như mọi lần- kết nối nhân quyền với việc giành độc lập cho đất nước, còn gọi đó là “những thành tựu dân chủ, nhân quyền cơ bản nhất mà nhân dân VN đã giành được” (số 60). Thật ra, đây là hai vấn đề riêng biệt, và không nhất thiết là nhân quyền của người dân sẽ được bảo vệ sau khi đất nước giành được độc lập. Lối lập luận thứ hai thường thấy là Hà Nội tiếp tục cho rằng “việc thực hiện quyền con người luôn luôn gắn với lịch sử, truyền thống và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…. với các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực” (x. số 61). Kiểu “nhân quyền bản địa” này chỉ là lối ngụy biện nhằm bênh vực cho thói hành xử độc tài đảng trị và triệt tiêu tự do dân chủ lâu nay tại VN.
Tiếp đến, như Giáo sư Võ Văn Ái nhận xét: “Báo cáo này cho một danh sách rất nhiều về vấn đề luật pháp và xem như rằng khi có càng nhiều luật chừng nào thì việc tôn trọng nhân quyền càng nhiều chừng đó. Tuy nhiên Hà Nội không hề cho người đọc thấy cụ thể những luật pháp đó đã được áp dụng như thế nào trong việc bảo vệ quyền của công dân tại VN; và xem như nhà nước VN tôn trọng nhân quyền vì đã có những cuộc đối thoại với Hoa Kỳ, với Liên hiệp châu Âu”. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Giám đốc Viện Quốc tế cho VN ở Virginia, Hoa Kỳ, thì cho rằng “Bản kiểm điểm này lẫn lộn giữa thành tích phát triển với thành tích nhân quyền và dân quyền. Hà Nội kể ra thành tích về giáo dục, y tế, phụ nữ v.v… nhưng đó là những thành tích về phát triển. Thành tích phát triển không nhất thiết bảo đảm sự tôn trọng nhân quyền và dân quyền”. Ngoài ra, “Báo cáo của VN cho biết họ muốn thay đổi rất nhiều luật pháp nhưng thay đổi luật pháp không có nghĩa luật pháp được nhà cầm quyền tôn trọng. Tức là nhà cầm quyền có thể sử dụng luật pháp để vi phạm nhân quyền… dùng luật pháp để cai trị bạo ngược. Cái đó gọi là pháp quyền (rule by law). Một chế độ pháp trị (rule of law) thì hoàn toàn khác! … Luật pháp phải cai trị cả nhà cầm quyền thì lúc đó mới thật sự tôn trọng luật pháp và mới có căn bản để nhân quyền được tôn trọng. Ở VN chưa có pháp trị (rule of law), mà chỉ có pháp quyền (rule by law) thôi. Thực chất vấn đề VN hiện nay là nhà cầm quyền không thật sự do nhân dân cử ra và phục vụ cho nhân dân mà là do Đảng Cộng Sản cử ra và phục vụ cho quyền lợi của những kẻ cầm quyền”. (x. Ðài Tiếng nói Hoa Kỳ, 04-05-2009)
2- Đến ngày 08-05-2009, phái đoàn Hà Nội gồm 29 người đã đến phúc trình trước Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Genève về tình trạng nhân quyền VN cùng sự tuân thủ các Công ước quốc tế LHQ về nhân quyền mà VN đã ký kết. Dàn chào họ trước hết tại quảng trường trước tòa nhà là gần 2000 đồng bào VN từ khắp nơi trên thế giới (trong đó có 400 đồng bào Khmer Krom) với cả rừng cờ vàng biểu ngữ, với nhiều nghi thức cầu nguyện tưởng niệm, với những khẩu hiệu tung hô đả đảo, những ca khúc cổ xúy nhân quyền. Tiếp đến, báo chí quốc tế cũng dàn chào CSVN với những hàng tít lớn đầy màu sắc cáo trạng: Anh tấn xã Reuters viết “VN bị tố cáo đàn áp nhân quyền trước khi đến phúc trình ở LHQ”, Pháp tấn xã AFP viết “Nhân quyền : VN bị tố cáo trước LHQ dù được các nước liên minh hậu thuẫn”, Nhật báo Phố Wall của Hoa Kỳ (2 triệu số mỗi ngày) viết bài xã luận “Những sai lầm về Nhân quyền của Hà Nội”. Trước đó không lâu là bản Phúc trình “Nhân quyền tại CHXHCNVN” do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người VN đệ nạp chung với Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền từ tháng11-2008 theo thủ tục. Phúc trình này đã được Hội đồng NQ đưa lên Trang nhà LHQ và làm tài liệu cơ bản cho cuộc chất vấn về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của VN. Đồng thời còn có những Phúc trình tố cáo Hà Nội của 12 tổ chức Phi chính phủ quốc tế lớn như Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền, Liên đới Toàn cầu Kitô hữu v.v… nhất là Phúc trình của Cao ủy NQ LHQ thu thập các tài liệu tố cáo VNCS. Đặc biệt dàn chào phái đoàn Hà Nội trong chính hội trường là 75 quốc gia ghi danh phát biểu mà đa phần thuộc thế giới dân chủ văn minh.
Thoạt tiên, các quốc gia gọi là “Trục Cực Quyền” (Axis of Sovereignty), gồm khoảng 19 nước độc tài (mà VN đã xin xỏ đăng ký sớm), ra sức bao che, hỗ trợ cho Hà Nội. Nhóm “ngưu tầm ngưu mã tầm mã” này đã lên tiếng khen tặng VN qua phát biểu của Miến Điện, Ai Cập, Nga, Lào, Cuba, Sudan, Syria, Lybia. Một số nước khác như Ấn Độ, Sri Lanka, Algérie thì khen quan điểm nhân quyền của VN thể hiện qua cuộc tranh đấu giành độc lập dân tộc, tức quan điểm phản động về nhân quyền không có con người.
Trái lại các quốc gia dân chủ thì quan ngại về vấn đề thiếu vắng nhân quyền và tự do tại VN, nên đã chất vấn hoặc khuyến cáo trên các lĩnh vực sau. Trên lĩnh vực tự do tôn giáo, có phái đoàn Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Ba Lan, Hungary, Liban, Anh Quốc v.v… Ý và Tân Tây Lan đề xuất Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo phải đi VN điều tra sự việc. Cộng hòa Liên bang Đức nêu cao vai trò trọng yếu của các tôn giáo tại VN. Hoa Kỳ yêu cầu đẩy nhanh tiến trình đăng ký của các Giáo hội, yêu cầu phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho PGVNTN cũng như cho các giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài. Trên lĩnh vực tự do báo chí thì có sự quan tâm của Na Uy, Thụy Sĩ, Phần Lan, Thụy Điển, Canada, Hòa Lan, Úc Đại Lợi, Anh Quốc, Đức, Hoa Kỳ v.v… Các khuyến cáo đưa ra là : yêu cầu luật báo chí VN phải được xét lại cho tương hợp với Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của LHQ, yêu cầu công nhận tự do ngôn luận và bãi bỏ những hạn chế tự do báo chí. Phần Lan đề nghị gửi Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do ngôn luận đến VN điều tra. Trên lĩnh vực tự do chính trị, các quốc gia quan ngại lo âu về những điều khoản “an ninh quốc gia” trong bộ Luật Hình sự. Phái đoàn Canada tuyên bố : “Nhiều khi luật pháp tại VN dùng để kết tội những ai biểu tỏ ôn hòa các quan điểm chính trị, đồng thời hạn chế tự do lập hội.” Phái đoàn Hoa Kỳ yêu cầu VN hủy bỏ các điều khoản mơ hồ về “an ninh quốc gia” như điều 88 về “tội tuyên truyền chống Nhà nước”, điều 258 về “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Hoa Kỳ còn nêu đích danh và đòi hỏi trả tự do cho các tù nhân lương tâm như Lm Nguyễn Văn Lý, hai Ls Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Phái đoàn Ba Lan khuyến cáo VN hủy bỏ Pháp lệnh 44 về quản chế hành chính cho phép giam giữ 2 năm tại các trại tạm giam, quản thúc tại gia, hay đưa vào nhà thương điên mà không thông qua sự xét xử của tòa án.
Nói tóm lại, trong lần xuất hiện đầu tiên trước Diễn đàn Nhân quyền vĩ đại này, CSVN quả đã học được nhiều bài học trong cay đắng và tủi nhục. Cay đắng và tủi nhục vì đã bị hầu như cả thế giới vạch trần những dối trá trong thông tin, những ngụy biện trong lý luận, những lỗi thời trong quan niệm và những ngu xuẩn trong mưu đồ lường gạt quốc dân và thế giới. Và phải nói sự ngu xuẩn lớn nhất chính là CS quên rằng không tôn trọng nhân quyền sẽ mất luôn chủ quyền quốc gia dân tộc. Thực tế cho thấy: do quyết tâm duy trì chế độ độc tài đảng trị, tiêu diệt nhân quyền, CSVN không có dân để dựa vào không thể dựa vào dân, nên chỉ biết dựa vào các thế lực quốc tế để tồn tại. Trước đây, nó đã ngoan ngoãn nằm trong hệ thống cộng sản của đàn anh Liên xô, nay thì bị Đế quốc Đại Hán khống chế triệt để. Bài học này, liệu CSVN có chịu thuộc không?BAN BIÊN TẬP