Lại trò chia rẽ tôn giáo của cộng sản Việt Nam!
Cách đây vài năm, sau khi Hội đồng Giám mục Việt Nam yêu cầu nhà cầm quyền CS trả lại 17 trên 23,5 ha đất mà họ đã chiếm đoạt của linh địa La Vang, thì một sư ông thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Phật giáo quốc doanh) tại Quảng Trị đã làm đơn khiếu kiện. Ông ta cho rằng cách đây hơn hai thế kỷ, trên vùng đất La Vang ấy từng có một ngôi chùa, nhưng sau đó đã bị bên Công giáo chiếm đoạt và phá hoại để xây lên một nhà thờ, thành ra Phật giáo hôm nay phải đòi lại. Trong thực tế, theo tài liệu lịch sử, đấy chỉ là một cái am nhỏ được các tiều phu Phật tử tạm dựng lên giữa rừng Lá Vằng để thờ một Bà lạ hiển linh mà họ cho là Phật bà Quan âm của họ. Nhưng sau khi biết Bà lạ đó là Đức Mẹ của bên Công giáo, họ đã thuận tình giao lại am nhỏ này cho các Kitô hữu thuộc giáo xứ Trí Bưu, Quảng Trị. Về sau tại đó, một ngôi nhà thờ to lớn đã được xây lên.Dù sao, luận điệu nói trên cũng được xài lại trong vụ Tòa Khâm sứ ở Hà Nội. Phát súng mở đầu xem ra là “ Thư ngỏ gửi ngài Ngô Quang Kiệt TGM Địa Phận Hà Nội nhân vụ việc Toà Khâm Sứ” đăng trên báo điện tử “phattuvietnam.net” ngày 17-1-2008. Tác giả giấu tên cho rằng khu đất Tòa Giám Mục Hà Nội và Tòa Khâm Sứ hiện giờ là Chùa và Tháp Báo Thiên của Phật Giáo trước đây, nhưng đã bị thực dân Pháp chiếm đoạt, đập phá rồi giao cho Công Giáo xây Tòa Giám mục và Nhà Thờ lớn Hà Nội. Hôm sau, 18-1-2008, báo điện tử này đăng tiếp bài thứ hai nhan đề “Tâm thư gửi đồng bào công giáo cầu nguyện đòi Toà Khâm Sứ” của một người ký tên “Phật tử Tâm Minh Nguyễn Quốc Dũng”, cũng cùng luận điệu tương tự. Đến ngày 03-02-2008, ông Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng ban Tôn giáo CSVN, người từng đứng đầu một cơ quan chuyên kiểm soát, kềm kẹp, chia rẽ và triệt hạ các tôn giáo, cũng góp mặt với bài “Lịch sử Phố Nhà Chung”. Với nhiều lối nói dóc đến nực cười, bài viết cũng nhắm gây mâu thuẫn giữa Phật Giáo và Công Giáo để hai tôn giáo này đánh nhau thay vì đánh chế độ. Nhưng giọt nước làm tràn ly có lẽ là bức thư ngày 16-02-2008, ký tên Hòa thượng Thích Trung Hậu, thuộc Giáo hội Phật giáo VN, gởi Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. Bức thư khẳng định: Tòa Khâm sứ (và Nhà thờ lớn Hà Nội) đã được xây trên đống đổ nát (vì bị Thực dân và Công giáo đập phá) của Chùa Báo Thiên, một di sản văn hóa đồ sộ vào bậc nhất nước. Đó là chưa kể bao nhiêu bài khác phát xuất từ một công cụ đắc lực của CS tại hải ngoại là nhóm Giao Điểm.
1- Chiến dịch đánh phá này -một chiến dịch có tổ chức, điều động bởi một bàn tay lông lá mà mọi người biết rõ là của ai- đã có cái hay là khiến người ta giở lại những trang sử cũ và xét lại những lối lập luận được sử dụng. Từ đó khám phá ra hai sai lầm: sai lầm về lịch sử và sai lầm về thời hiệu.
a- Sai lầm về lịch sử: Những tài liệu lịch sử do chính Đảng và Nhà Nước CSVN phổ biến, chẳng hạn cuốn “ Tự Điển Hà Nội Địa Danh ” do Bùi Thiết biên soạn (nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 1993) đã nói về Chùa Báo Thiên như sau: “Dựng vào năm 1056 trên đất phường Báo Thiên, tên chữ là Sùng Khánh Tự, có chuông chùa đúc cùng năm, hết 12.000 cân đồng. Ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu, đến cuối thế kỷ XVIII bị nạn kiêu binh đốt, phá hủy hoàn toàn ” (tr. 26) và về Tháp Báo Thiên như sau: “Tòa tháp dựng năm 1057 trước Chùa Báo Thiên, tên chữ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp. Tháp có 13 trượng (chừng 50m), gồm hai phần, dưới bằng đá, trên bằng đồng. Đỉnh tháp bị trận bão năm 1258 làm đổ, và phần đồng bị sét đánh bạt năm 1332. Tháp Báo Thiên là một trong những vật báu của Đại Việt thời Lý–Trần. Năm 1427, khi bị vây hãm ở Đông Quan, giặc Minh đã tháo gỡ hết đồng ở tháp để đúc súng đạn. Năm 1547 tòa tháp bị đổ sập nốt phần đá. Cuối thế kỷ XVIII tháp bị phá hủy. Trên nền chùa–tháp họp chợ Báo Thiên ” (tr. 26). Như vậy, theo tài liệu của Đảng và Nhà Nước CSVN, Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên đã bị phá hủy hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVIII và khu đất đó đã được dùng làm nơi họp chợ, thậm chí làm bãi pháp trường. Phạm Đình Hổ (1768-1839) và Nguyễn Án (1770-1815) trong sách “Tang thương ngẫu lục” và bộ “Đại Việt Sử ký toàn thư” cũng không nói gì khác. Sau đó khu đất đã được Tổng Ðốc Hà Nội Nguyễn Hữu Ðộ cấp cho Giám Mục Puginier cuối thế kỷ XIX (khoảng năm 1883) để xây dựng một số cơ sở của Giáo phận. Thành ra không hề có chuyện Công Giáo xâm chiếm, phá hoại nhà Chùa để xây dựng nhà Chúa !
b- Sai lầm về thời hiệu: “Chuyện đất Tòa Khâm sứ xưa kia có là của chùa Báo Thiên hay không, là chuyện của quá khứ đã qua đi hơn một trăm năm rồi, chẳng còn một chứng nhân lịch sử nào còn sống để mà nói lên sự thật cho chúng ta hay. Ông Tây, ông Sư hay ông Cố đều đã nằm dưới những nấm mồ, và thân xác đã mục nát với thời gian. Ngòai ra, cũng không ai tìm được những chứng cứ xác nhận chủ quyền khu đất này là của ai, trước và sau khi có chùa, cũng như trước và sau khi chùa biến thành đất Nhà Chung. Chứng từ duy nhất có tính pháp lý hiện nay, là giấy chủ quyền mà Tòa Tổng giám mục Hà Nội nắm trong tay” (Lm Thiện Cẩm, Nhà Chúa hay Nhà Chùa, VietCatholic News 21-02-08). Ông Lê Tuấn Huy, qua bài “Xin hãy dừng lại trước khi qúa muộn” trên diễn đàn điện tử Talawas ngày 20-01-08, cũng lập luận tương tự. Ông thấy có sự lẫn lộn giữa lịch sử và hiện thực. Theo ông, khi một trong các bên chủ thể của tranh chấp không còn tồn tại, hoặc khi đã qua một thời gian đủ lâu, lúc mà các chủ thể trực tiếp đã biến thành các chủ thể hậu duệ, thì xem như lịch sử đã được xác lập. Không ai thay đổi được lịch sử và không ai có thể giải quyết được mọi hậu quả của lịch sử. Trong khi đó hiện thực là cái ta phải đối mặt và có thể thay đổi. Về lịch sử, chính quyền thực dân Pháp, chủ thể phát đất cho Công Giáo xây nhà thờ và các cơ sở tôn giáo khác, đã trở thành cát bụi từ lâu. Những người bị lấy đất cũng chẳng còn để có thể khiếu nại. Không thể viện quyền thừa kế vì khi đó chỉ có các cá nhân tu sĩ và Phật tử, chưa có Giáo Hội Phật Giáo, nên chưa có tập đoàn có tư cách pháp nhân. Vả lại Phật Giáo và Công Giáo vẫn sống hài hòa từ đó tới nay, chẳng ai thắc mắc, chẳng ai đòi gì của ai.
Tại sao bây giờ lại moi ra vấn đề đã đi vào lịch sử? Về hiện thực, ngược lại, chính quyền CS lấy nhà đất tòa Khâm Sứ năm 1959 vẫn còn đó, những người thừa kế quyền sở hữu vẫn còn đó với giấy tờ đầy đủ, nên việc khiếu nại có cơ sở (x. Mặc Giao, Đừng đánh lạc mục tiêu, đừng đánh tráo chủ đề”).
2- Chiến dịch đánh phá đó cũng có cái hay thứ hai là khiến người ta lại thấy thêm lần nữa trò “chia để trị”, âm mưu “phân rẽ để khống chế” mà Cộng sản là bậc thầy, đồng thời nhận ra được mánh lới dùng giáo gian của họ, tức dùng những kẻ dù mang danh chức sắc tôn giáo, vẫn là công cụ đê hèn của một chính đảng vô thần và một chế độ bất công.
a- Âm mưu chia để trị: Cuối năm 2007 vừa qua, tay bồi bút nổi tiếng của chế độ là Tô Nhuận Vỹ, trong bài viết đăng trên mạng điện tử Talawas, đã kêu gọi các nhà văn trong và ngoài nước ngồi lại với nhau để “góp phần vào nỗ lực hòa hợp hòa giải dân tộc”. Những ngày đầu năm 2008 này, trên các con đường tại VN, người ta lại thấy nhan nhản khẩu hiệu “Vận dụng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để canh tân đất nước”… Nhưng trong thực tế, vụ Tòa Khâm sứ và Chùa Báo Thiên đã cho thấy CS tiếp tục sử dụng mánh lới “trai cò mổ nhau, ngư ông đắc lợi”, đặc biệt lần này nhắm vào các tôn giáo, hòng thoát khỏi vấn đề hóc búa là trả lại vô số tài sản mà CS đã tịch thu của các Giáo hội tại VN. May thay, ngoại trừ thành phần Phật tử thần phục CS trong GHPGVN ở quốc nội và thành phần CS đội lốt Phật giáo trong nhóm Giao Điểm ở hải ngoại vốn đã kêu gọi “Bà con Phật Tử hãy đến nơi gọi là “tòa khâm sứ” đòi bọn Việt gian Catô trả lại chùa Báo Thiên cho PGVN” , chẳng mấy ai rơi vào cái bẫy thâm độc này. Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 23-2-2008, Hòa Thượng Không Tánh thuộc GHPGVNTN đã nhận xét về văn thư của HT Trung Hậu gởi cho ông Nguyễn Tấn Dũng như sau (ghi toát lược): “V ấn đề là mình phải biết rằng do ai thúc đẩy, do lệnh của ai, nhắm mục đích gì mà HT Trung Hậu đã làm văn thư ấy… A i cũng biết tài sản đó là của Tòa Khâm Sứ từ thời xa xưa rồi, lúc Hòa Thượng Trung Hậu chưa sinh ra và GHPGVN cũng chưa có… Bây giờ Nhà Nước C S thấy khó đáp ứng đòi hỏi, đấu tranh, nguyện vọng của bên Công Giáo, thì họ mượn tay của P GVN . Cuối cùng họ lấy cái cớ đó mà nói rằng tài sản này có tranh chấp nên chúng tôi không thể giải quyết hay là đình lại. Riêng GHPGVNTN thì không liên quan và quan tâm đến chuyện ấy …”
b- Mánh lới dùng giáo gian: HT Không Tánh đã kết luận bài phỏng vấn nói trên như sau: “ Như vậy, GHPGVN trở thành tay sai để gỡ rối cho Nhà Nước, trước hoàn cảnh Nhà Nước không có cách để giải quyết vụ việc ”. Trong cuộc hội luận trên đài Vietnam Sydney Radio sáng ngày 25-02-2008 với Lm Phan Văn Lợi, HT Không Tánh cũng khẳng định: “Văn thư của Hòa Thượng Trung Hậu là một vết nhơ cho Phật giáo” và rồi đặt câu hỏi: “Tại sao cụ Trung Hậu không lên tiếng đòi lại Việt Nam Quốc tự và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Quảng Đức cho đạo của mình?” Cơ sở Việt Nam Quốc tự này vừa bị nhà cầm quyền CS, hôm 23-02-2008, giao cho Công ty Berjaya của Malaysia để xây Trung tâm Tài chính Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD. Giáo gian nổi bật bên phía Công giáo lần này là cán bộ tôn giáo vận Trương Bá Cần với tờ báo phá đạo của ông, “Công giáo và Dân tộc”. Bất chấp lương tâm của một linh mục, tay bồi bút này đã một lòng phò chủ CS trong vụ cướp đất tòa Khâm sứ và vụ “truy tầm sở hữu chủ nguyên thủy” của hai nhà thờ lớn Sài Gòn và Hà Nội. Thói lý luận đầy ngụy biện, kiểu bênh chủ cách trâng tráo và việc ngang nhiên phủ nhận lịch sử của ông ta đã khiến người ta phải đặt vấn đề khai tử tờ báo ô nhục nói trên, và đồng thời với nó là Ủy ban Đoàn kết Công giáo, cái công cụ đầy thành tích phá đạo vốn đã là vết nhơ và là vết thương trên cơ thể Giáo hội VN suốt bao năm trời.
TOP