Tiếp tục tranh đấu!
Cầu nguyện và đi xa hơn nữa!
Thế nhưng “ công việc đã có kết quả ” (lời Tổng Kiệt) hay không thì cho tới giờ phút này, hơn nửa tháng trôi qua, người ta vẫn chưa thấy động thái nào tích cực từ phía nhà cầm quyền CS. Phải chăng họ sẽ giải quyết theo kiểu mà một tay bồi bút trên tờ báo công cụ của chế độ là tờ “Công giáo và Dân tộc” mới đây đã viết để xem ra chuẩn bị dư luận: “Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội đang do Nhà nước quản lý, nên trên nguyên tắc, khi quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Việt Nam và Tòa Thánh, vấn đề trao trả sẽ được đặt ra”. Nếu thế thì CSVN sẽ trả lại Tòa Khâm Sứ cho Tòa Thánh (chứ không phải cho Giáo phận Hà Nội là sở hữu chủ chính thức) để Vatican dùng làm trụ sở cho vị đại diện sau này. Làm như thế, CSVN sẽ được hai cái lợi: thứ nhất, họ trao trả tòa nhà mà không bị mất mặt. Việc này tương tự việc trả lại tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập bang giao cách đây nhiều năm, theo thông lệ quốc tế. Thứ hai, CS tránh được phản ứng dây chuyền là phải trao trả mọi đất đai và cơ sở khác cho Giáo hội Công giáo, cho các tôn giáo bạn, cho các dòng tộc và cho các dân oan… Cũng có thể nhà cầm quyền CSVN sẽ trả theo kiểu xin-cho, như tay bồi bút nói trên gợi ý tiếp: “Nhưng hiện nay, khi quan hệ ngoại giao chưa được thiết lập, Hội đồng Giám mục VN hay Tòa Tổng giám mục Hà Nội, nếu thực sự có nhu cầu xử dụng, cũng có thể xin nhà nước giao cho mình quản lý”, vì “theo Hiến pháp và luật đất đai của VN, cá nhân và tập thể chỉ có quyền sở hữu nhà, còn đất thuộc sở hữu toàn dân” (thực chất là sở hữu của đảng CS!!). Nếu thế, thì Giáo hội VN, trong trường hợp này, lại vô tình công nhận và tiếp tục gánh chịu cái “luật ăn cướp” vốn đã được Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh giải thích như sau trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 3-1-2008: “ Từ khi có Luật đất đai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý và nhà nước, căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực sự của nhân dân và quỹ đất, cấp đất cho nhân dân, các tổ chức để sử dụng ổn định, lâu dài ”, nghĩa là “không có vấn đề trả lại” !?!
Chính vì mặc nhiên phản đối luật ăn cướp đầy phi lý và man rợ ấy, nên sức nóng ngọn lửa cầu nguyện đòi đất đã từ tòa Khâm sứ chuyển sang giáo xứ Thái Hà, khiến nơi đây trở nên một hỏa lò bừng cháy dữ dội hơn nữa. Bằng chứng là cuộc tụ tập cầu nguyện của t rên 7000 người tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở giáo xứ ấy ngày Mồng 3 Tết: “Sáng nay, khi đưa tin về cuộc lễ Minh Niên ở giáo xứ Thái Hà, chúng tôi phỏng đoán là 3000 người. Nhưng khi tới giờ khởi sự thánh lễ do Đức TGM Ngô Quang Kiệt chủ sự thì dân chúng kéo tới đông vô kể.… Các con đường xung quanh nhà thờ… khuôn viên nhà thờ và tu viện… các tầng lầu, các phòng học giáo lý, các hành lang đều chật cứng người. Không có một buổi lễ tôn giáo nào trong thành phố Hà Nội diễn ra trong năm mà lại đông người như lễ hành hương minh niên kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà này cả” (VietCatholic News ngày 09-02-2008). Dĩ nhiên việc này khiến nhà cầm quyền CSVN tiếp tục lo sợ như họ đã lo sợ từ ngày 18-12-2007, lúc các buổi cầu nguyện tại tòa Khâm sứ bắt đầu. Có lẽ đây là lần đầu tiên CSVN thấy được một lối đấu tranh hiếu hòa, bất bạo động nhưng lại hàm chứa một sức mạnh lớn lao (y như các vụ tự thiêu của Phật giáo tại miền Nam thời Tổng thống Ngô Đình Diệm). Bằng chứng là họ đã mong mỏi sự chấm dứt cầu nguyện tại tòa Khâm sứ. Đúng như lời một linh mục trên tạp chí điện tử Fiat số 408 ngày 13-01-2008: “Đừng nghĩ như thế là yếu, là hèn, hay là không tưởng! Không đâu, nó mạnh ở chỗ đặt hết tin tưởng vào một Chúa ở trên cả Đảng, trên mọi thứ quyền lực bạo liệt nhất của thế gian. Và nó cũng mạnh ở chỗ có khả năng liên kết được với mọi người, lay động được lòng người, những người ở các tôn giáo khác nhau và cả nơi những người vô thần, những người Cộng Sản thứ thiệt”. Từ đó có người đưa ra viễn ảnh về một cuộc “cách mạng bằng lời cầu nguyện” tại Việt Nam.
Vâng, cuộc cách mạng kiểu ấy có thể xảy ra, theo thiển ý chúng tôi, với hai điều kiện: Một là việc cầu nguyện này lan tỏa khắp cả Giáo hội Công giáo Việt Nam, từ mọi giáo xứ, giáo hạt, từ mọi tu viện, cộng đoàn đến toàn bộ 25 Giáo phận. Từ những nơi đang có nhu cầu đòi lại các cơ sở tôn giáo đã bị CS tịch thu chiếm đoạt (chứ không phải đang được Nhà nước quản lý giùm như tay bồi bút Công giáo & Dân tộc nói trên đã trâng tráo viết: “Nhà vắng chủ, không được ủy quyền cho ai, đều do Nhà nước quản lý. Nhà nước quản lý chứ không phải tịch thu: quản lý nhà vắng chủ có nghĩa là trông nom bảo quản cho tới khi chủ cũ trở về sẽ trao trả”. Có mấy cơ sở tôn giáo tại VN mà vắng chủ, kể cả tòa Khâm sứ!!) cho tới những nơi được an toàn “giữ của” cho đến bây giờ (nhưng hỏi có mấy nơi?). Trong thực tế thì cho tới nay, chỉ có vài nơi cầu nguyện hiệp thông và vài vị giám mục lên tiếng thông hiệp. Tiếp đến, việc cầu nguyện này cũng phải được thực hiện bởi các tôn giáo khác nữa. Có Giáo hội nào tại VN mà không là nạn nhân, không bị CS cướp đất, cướp nhà, cướp của?
Hãy nhìn tấm gương tại Ba Lan hơn 25 năm trước. Khi nhà cầm quyền cộng sản nước ấy ban bố “tình trạng chiến tranh” vào ngày 13-12-1981, thì một linh mục tên Jerzy Popieluszko đã bắt đầu tổ chức những buổi cầu nguyện mang tên “Thánh Lễ Cầu Cho Quê Hương” ngay tại giáo đường Stanislaw của ngài. Các thánh lễ này đã lôi cuốn hàng chục ngàn người tham dự, bao gồm mọi tầng lớp nhân dân tại thủ đô Varsovie lẫn những vùng xa xôi hẻo lánh, từ giới lao động cùng khổ tới các văn gia, trí thức, nghệ sĩ. Noi theo sáng kiến của cha Jerzy, những Thánh lễ mang nội dung cầu cho Giáo Hội và đất nước Ba Lan (đa phần theo Công giáo) đã được rất nhiều linh mục tổ chức tại các giáo xứ xa xôi trên toàn lãnh thổ. Nó đã trở thành một trong những yếu tố hàng đầu vực dậy Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, xua tan nỗi sợ hãi kinh niên trong lòng người dân sau nhiều thập niên gánh chịu đảng cộng sản hung bạo. Và đấy cũng là một trong những động lực chính dẫn tới sự sụp đổ của chế độ độc tài Varsovie, kéo theo sự tan rã giây chuyền của khối cộng sản Đông Âu và sau chót, đến tận hang ổ cuối cùng của chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít là Liên Bang Xô Viết năm 1991.
Điều kiện thứ hai: Kèm theo việc cầu nguyện của cộng đồng tôn giáo, còn cần có việc lên tiếng cũng như dấn thân của các chức sắc tôn giáo cao cấp về và vào mọi vấn đề trong xã hội (vì tôn giáo chính là lương tâm của xã hội, và các chức sắc chính là lãnh đạo tinh thần của cộng đồng như tên gọi mà!). Dĩ nhiên theo phương cách của tôn giáo, kiểu làm chính trị công dân chứ không phải chính trị phe đảng. Điều này rõ ràng cam go hơn việc cầu nguyện, kêu gọi cầu nguyện cũng như lôi cuốn hơn, mạnh mẽ hơn và hữu hiệu hơn. Không nên cho rằng kêu gọi cầu nguyện như thế đã là hành động anh hùng rồi và cầu nguyện một nơi như thế, đòi đất cho riêng mình như thế là đủ gióng lên tiếng nói đòi công lý cho mọi người, mọi giới trong xã hội rồi! Cộng sản có thể chơi trò chia rẽ các tôn giáo và nội bộ của một tôn giáo, cũng như đưa vài cộng đoàn giáo hội vào bẫy “ngủ quên hay tự đắc trong chiến thắng” bằng cách nhượng bộ trả lại một vài chỗ. Tinh thần liên đới cộng tồn, vai trò ngôn sứ sự thật, nhiệm vụ chiến sĩ lẽ phải không cho phép các lãnh đạo tinh thần chỉ biết đòi đất cho đạo mà không giúp dân oan đòi đất cho nhà và giúp tổ quốc đòi đất cho nước (vừa mất hẳn hai quần đảo), chỉ biết chăm lo chuyện lấy lại những tài sản vật chất (thường là cho mình) mà lãng quên chuyện lấy lại những tài sản tinh thần là các nhân quyền (trong năm lãnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa) vốn đã và đang bị nhà cầm quyền CS tước đoạt trắng trợn khỏi tay mọi cá nhân và mọi tập thể.
Thái độ dấn thân bằng lời nói và hành động ấy của các lãnh đạo tinh thần đương nhiên là phải trả giá. Ít nhất là sách nhiễu quản chế, cao hơn là tù đày ám hại. Một Jerzy Popieluszko đã bị giết chết man rợ trong rừng sâu, một Nguyễn Kim Điền đã bị đầu độc đê hèn giữa bệnh viện, một Thích Quảng Độ đã bị quản chế nhiều năm nơi nhà chùa, một Nguyễn Công Chính bị hành hạ sỉ nhục ở đồn công an, một Lê Quang Liêm đã bị phong tỏa tại gia suốt bao năm tháng, một Nguyễn Văn Lý đã 4 lần bước vào nhà ngục… là những bằng chứng. Các vị chân tu này đã chấp nhận suốt đời quanh quẩn trong sân hơn là hàng năm du hành hải ngoại, bị vu cáo là “làm chính trị” hơn là lãnh tiếng khen “tốt đạo đẹp đời”, đã chấp nhận được lệnh quản chế hơn là giấy thông hành, được còng số 8 hơn là lẵng hoa tươi, được ngồi trong xe bít bùng nóng nực hơn là chiếc Mercedes mát lạnh, được ở trong nhà đá tối tăm hơn là tư dinh sang trọng huy hoàng. Nhưng như thế thì mới có thể hủy tiêu bộ luật ăn cướp, phá bỏ chính sách ăn cướp, hất cẳng chính quyền ăn cướp và xóa sổ chế độ ăn cướp được !
Triều cống!