18.9.08

Xã luận số 52

Đối thoại nhân quyền với cộng sản
ích lợi gì chăng?

Ngày 29-05-2006 vừa qua là vòng thứ 13 mà con cháu “Bác Hồ” và hậu duệ “Chú Sam” lại gặp nhau -lần này tại Hà Nội- để gọi là “đối thoại nhân quyền”, như thể hai bên chưa hề thống nhất ý kiến với nhau được về khái niệm căn bản và lý tưởng cao cả nhất đó của văn minh nhân loại hiện đại, mặc dầu Cộng sản Việt Nam đã thò tay ký vào hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ngày 24-9-1982. Đoàn Hoa Kỳ do ông David Kramer, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về Nhân quyền, Dân chủ và Lao động dẫn đầu. Đoàn Việt Nam do ông Đoàn Xuân Hưng, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hướng dẫn. Với giọng lưỡi gỗ như thường lệ, trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh: “Quan tâm và thúc đẩy các quyền con người cho mọi người dân Việt Nam luôn là ưu tiên, nền tảng và tư tưởng lớn xuyên suốt cho các chính sách luật pháp của Nhà nước Việt Nam… Việt Nam sẵn sàng đối thoại một cách cởi mở, thẳng thắn và xây dựng về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, kể cả vấn đề nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và thu hẹp bất đồng, góp phần tạo dựng khuôn khổ hợp tác vì lợi ích của cả hai nước”. Với kiểu ngụy biện như xưa rày, Việt Nam lên tiếng khẳng định: “Chúng tôi có quan niệm nhân quyền riêng, phù hợp với đặc điểm lịch sử, chính trị, văn hoá của Á châu, của dân Việt”. Cũng với lối lừa gạt cố hữu, đoàn Việt Nam đã thông báo cho phía Hoa Kỳ “những thành tựu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, cải cách pháp luật, tự do tôn giáo, đảm bảo và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của người dân”. (Theo http://www.vnanet.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/251735). Nhiều người đã hy vọng vào cuộc hội ngộ này, “thà có đối thoại, còn hơn là không”. Nhưng những ai từng trải qua kinh nghiệm thấm thía lâu đời với CS, như luật sư Trần Thanh Hiệp, người từng có mặt trong cuộc hội đàm Paris năm 1972, thì cho biết: “Tôi không mấy lạc quan để chờ đợi kết quả đáng kể của cuộc đối thoại sắp tới. Vì hai lý do. Một đằng tình trạng xấu về nhân quyền ở VN hiện nay là hậu quả đương nhiên của chính sách đàn áp cố hữu của Hà Nội. Mà về phía Hà Nội thì rõ ràng không có dấu hiệu nào cho thấy muốn chấm dứt chính sách ấy. Đằng khác, tuy trên thực tế Hoa K ỳ có thể đã có ít nhiều ảnh hưởng tới mức độ đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội, nhưng nếu cứ đi tìm thỏa thuận giữa Hà Nội và Hoa Th ịnh Đốn để giải quyết vấn đề nhân quyền cho dân VN thì đã đặt sai vấn đề để gây ra rất nhiều tai hại. Hà Nội sẽ chỉ nhượng bộ Hoa K ỳ trong chừng mực không làm suy yếu thế lực đảng trị của mình… Cuộc đối thoại Mỹ-Việt về nhân quyền không phải bây giờ mới diễn ra mà đã được tiến hành từ lâu. Nhưng không vì vậy mà chính sách nhân quyền của Hà Nội đã thay đổi… Do đó, để cải thiện tình hình nhân quyền ở VN trước hết cần cải thiện phương thức đối thoại về nhân quyề. Cải thiện theo chiều hướng dân chủ hóa chế độ. Vì nhân quyền phải đi đôi với dân chủ. Nếu nhân quyền đi đôi với độc tài thì chỉ có đàn áp ”. (RFA phỏng vấn ngày 23-05-2008). Quả thế, tự bản chất, độc tài, độc quyền, độc đảng có nghĩa là mọi nhân quyền đều bị chà đạp. Thao túng Quốc hội, làm gì có tự do bầu cử? Nắm lấy báo chí, làm gì có tự do ngôn luận? Khống chế tôn giáo, làm gì có tự do tín ngưỡng? Áp đặt học thuyết Mác, tư tưởng Hồ, làm gì có tự do giáo dục? Công cụ hóa công an quân đội, làm gì có tự do biểu tình? Tay sai hóa công đoàn, làm gì có tự do đình công? Lùa tất cả vào MTTQ, làm gì có tự do lập hội?.. Ngoài ra, một điểm quan trọng trong đối thoại về nhân quyền, chính là sự có mặt của thành phần đang tạo nên vấn đề nhân quyền khiến Hoa Kỳ và Việt Nam phải ngồi lại. Nói cách khác, bàn thảo và quyết định về nhân quyền, dân quyền ở Việt Nam thì không thể thiếu tiếng nói, thiếu nguyện vọng của những nạn nhân là chính nhân dân Việt Nam, cụ thể là những thành phần đang bị bách hại hay đang lên tiếng chống lại bách hại. Hoa Kỳ -trong các vòng đối thoại- chỉ là người quan tâm, yêu chuộng, bênh vực, hay có thể tạm gọi là người làm ơn, nhưng không phải là người thụ ủy của những nạn nhân bị đàn áp. Vì thế, nếu không có thành phần thứ ba này, Cộng sản Việt Nam sẽ tìm những nhượng bộ làm cho Hoa Kỳ hài lòng (một trong những mánh lới mà họ là bậc thầy) để đổi lấy thế mạnh mà quay lại củng cố thế lực của đảng. Đây là kinh nghiệm xương máu cho dân Việt hồi hòa đàm Paris năm 1972, khi số phận nhân dân miền Nam bị định đoạt bởi cuộc đối thoại mật đàm Kissinger-Lê Đức Thọ, một kẻ thì dửng dưng với số phận đám dân da vàng ngoại tộc, một kẻ thì quyết tâm đưa đồng bào ruột thịt vào tròng Cộng sản quốc tế. Đây là điều mà Khối 8406 quốc nội đã đòi hỏi trong dự thảo Lộ trình Dân chủ do một thành viên ban đại diện của mình, kỹ sư Đỗ Nam Hải, đưa ra ngày 21-05-2008: “Trong quý III-2008, chấp thuận một cuộc đối thọai về tự do, dân chủ và nhân quyền được tổ chức tại VN. Thành phần bao gồm 3 bên: quốc tế, nhà cầm quyền CSVN và những người dân chủ VN (trong và ngoài nước). Danh sách do 3 bên liên quan ở trên tự lập ra. Số lượng thành viên của mỗi bên phải bằng nhau. Từ trước đến nay, những cuộc đối thoại về dân chủ và nhân quyền được diễn ra chỉ có 2 bên tham gia là quốc tế và nhà cầm quyền CSVN. Điều này là hòan toàn bất bình đẳng và rất tai hại. Vì phía quốc tế chỉ được nghe, chỉ được thấy cách một chiều, phiến diện, che đậy… từ phía những kẻ đàn áp tự do là CSVN. Trong khi những người bị đàn áp thì không hề được có tiếng nói. Thực tế là họ bị nhà cầm quyền CSVN tước đoạt mọi vũ khí tự vệ, kể cả vũ khí tố cáo”. Mỉa mai thay, chính trong lúc chuẩn bị cho ngày đối thoại nhân quyền 29-05, nhà cầm quyền CSVN đã lập rất nhiều thành tích không giống ai, chỉ xin kể ra những thành tích nổi bật: - Trên phương diện tôn giáo : Ngoài việc thoán đoạt lấy quyền điều hành một đại lễ tôn giáo linh thiêng là Vesak Liên Hiệp Quốc 2008, biến những lãnh đạo tinh thần thành công cụ, chà đạp lên chính tư cách và bản chất tôn giáo (vốn phải độc lập), lừa gạt thế giới về chính sách tín ngưỡng của mình, nhà cầm quyền CSVN còn đàn áp dữ dội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước và trong những ngày đại lễ ấy. Từ đầu năm, liên tục sách nhiễu các Huynh trưởng Gia đình Phật tử tại 3 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên và Quảng Trị. Ngày 01-04-2008, cướp đất đai tài sản đồng thời hành hung tăng ni chùa Phước Huệ, tỉnh Quảng Trị. Cùng thời gian trên, ép buộc đạo hữu chùa Giác Hải huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng làm đơn tố cáo Thượng tọa Trú trì Thích Trí Khải, để mở chiến dịch đấu tố và cuối cùng trục xuất Thượng tọa. Tại TT- Huế thì trừng trị các Tăng sĩ và triệt hạ Phật học đường của Giáo hội PGTN; phá hủy tượng Quan Âm tại núi Ngự Bình. (Đơn tố cáo của Hòa thượng Thiện Hạnh ngày 24-04-2008). Trong những ngày này, còn cưỡng bức Thượng tọa Như Tấn, Ban Đại diện PGVNTN tỉnh Lâm Đồng đi làm việc liên tục, đến nỗi ngã bệnh; dùng vũ lực buộc Hoà thượng Tâm Mãn, trú trì chùa Sư tử Hống ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tới đồn hạch hỏi thẩm vấn (Thông cáo báo chí phòng Thông tin PGQT ngày 28-5-2008 ). - Trên phương diện dân sinh : Điển hình và bi thảm nhất là việc đàn áp nông dân làng My Điền, xã Hoàng Ninh, Huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang suốt hai tháng nay. Sau khi lấy đất của họ để bán cho một chủ nhân Trung Quốc làm công ty sản xuất bao bì Hoa Hạ, đẩy họ vào thân phận nô lệ thời mới với đồng lương chết đói (khoảng từ 31 đến 44 USD/tháng), các viên chức chính quyền tham lam và gian xảo còn dùng lũ tay sai mù quáng và tàn bạo là công an đánh đập dã man công nhân và nông dân cùng làng đứng lên phản đối chủ nhân bất công. Chưa hết, mới đây, nhà cầm quyền CSVN còn đẩy dân làng My Điền vào chỗ chết bằng cách cướp đất của họ bán cho chủ nhân Đài Loan làm sân gôn. Dân đứng lên phản đối. Đội đặc nhiệm 113 và hàng ngàn công an trang bị vũ khí tận răng liền ập vào làng. Chúng đánh đập dã man những người dân tay không chạy ra giữa đường, nằm xuống mặt lộ, đào hào đào hố để cản xe, khiến nhiều người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu, trong đó có hai phụ nữ bị đánh đến trụy thai. - Trên phương diện luật pháp : Ngày 5-5-2008, CSVN triệu tập tại Sài Gòn Hội nghị Góp ý Sửa đổi Luật Đất đai. Điều 63 khoản 1 Luật Đất đai này (26-11-2003) cho phép việc giao dịch trong thị trường bất động sản VN chỉ diễn ra trên căn bản quyền sử dụng đất chứ không là quyền sở hữu đất. Đến ngày 5-5-2008, điều khoản nói trên được đề nghị sửa đổi như sau : “Chính phủ qui định điều kiện để các đô thị, khu vực qui hoạch phát triển đô thị được phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo hình thức phân lô bán nền. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định khu vực được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà để ở, để bán, cho thuê; khu vực được thực hiện dự án xây dựng nhà ở theo hình thức phân lô bán nền”. Nói vắn gọn, điều 63 khoản 1 sửa đổi sẽ cho phép chính phủ đứng ra bán đất (phân lô bán nền) và người mua đất được cấp chứng khoán điền thổ theo đúng luật sở hữu bất động sản của guồng máy kinh tế thị trường. Người mua ở đây hiển nhiên là giới tư bản đỏ và thân bằng quyến thuộc của họ. Đám người này sẽ có quyền sở hữu và cơ hội sở hữu đất đai cách vô giới hạn, trong lúc dân oan vẫn hoàn oan, dân nghèo vẫn hoàn nghèo, dân nông thôn vẫn triền miên đói khổ. Ngày xưa chủ ruộng là phú nông, là đại địa chủ. Ngày nay chủ ruộng hiển nhiên là đảng CS. Nông dân không gì khác hơn là đội ngũ bần cố nông, cày thuê cấy mướn. (Theo luật sư Đỗ Thái Nhiên). Thành ra, mọi cuộc đối thoại với CS độc tài sẽ chỉ là vô ích uổng công. CS đã đối thoại bao lần với thế giới, khi ký kết các văn kiện quốc tế về nhân quyền, tham dự các hội nghị quốc tế về nhân quyền. Vì đối với CS, ngôn ngữ không phải là phương tiện để trình bày bản chất sự việc, mà chỉ là công cụ để thu phục và lường gạt, hầu duy trì chế độ độc tài bóc lột lâu chừng nào tốt chừng ấy. BAN BIÊN TẬP

Babui – Danchimviet.com


TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________