18.9.08

Xã luận số 53

Độc tài đảng trị nói đến
yêu nước thương dân được chăng???

Giữa lúc nhà cầm quyền CSVN dạ rối bời và lòng hoảng loạn trước cơn khủng hoảng kinh tế: vật giá leo thang, lạm phát phi mã, chứng khoán sụp sàn; trước cơn khủng hoảng xã hội: quan chức lộng hành, dân tình ta thán, lòng người phẫn uất, thậm chí có tin đồn binh biến nổi loạn, do toàn dân không còn chịu nổi lối điều hành kinh tế, quản lý xã hội vừa ngu dốt, vừa gian tham, vừa tàn bạo của đảng và nhà cầm quyền CSVN, thì cái tin cựu thủ tướng CS Võ Văn Kiệt (tức Phan Văn Hòa) về chầu tiên tổ (hay về chầu Mác-Lê như Hồ Chí Minh?) hôm 11-06-2008 xem ra là một cái phao cứu mạng cho đảng. Sau hơn một ngày lặng im lưỡng lự vì nhân vật này đã từng gây khó chịu cho đảng, cuối cùng Bộ chính trị đã cho lệnh phát tin và đồng thời phát lệnh cho báo chí công cụ phải tô hồng cựu lãnh tụ ngằn nào có thể, để qua đó tô hồng chế độ đã quá ư tồi tệ xấu xa nầy, hầu nhân dân thấy rằng lãnh đạo đảng và chính phủ do đảng lãnh đạo dù sao cũng có lòng yêu nước thương nòi, có tầm nhìn sâu rộng và trí tuệ sắc sảo, có viễn kiến ngang tầm thời đại !?! 1- Trước tiên là Thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng viết chiều 12-06: “Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, nhà nước và nhân dân ta! Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt với nghi thức quốc tang”. Tiếp đến, nhiều nhân vật tiếng tăm trong chế độ bắt đầu bốc cựu thủ tướng CS lên tận trời. Chẳng hạn bà Phạm Chi Lan, cố vấn Văn Phòng Thủ Tướng nhiều đời: “Điều đầu tiên mà tôi có ấn tượng nhất là ông là một người có tâm rất lớn đối với đất nước, với nhân dân… Lòng ông lúc nào cũng hướng đến người dân cả, ông tìm mọi cách làm sao để lo cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn, lo hàn gắn tất cả những gì mà chiến tranh đã để lại cho đất nước, cho tổ quốc và cho nhân dân Việt Nam…. Khi còn ở cương vị thủ tướng, ông đã là một người làm việc với những hành động rất quyết liệt… là một trong những người đề xướng và thúc đẩy cải cách đất nước… Khi rời cương vị lãnh đạo của mình rồi, ông vẫn tiếp tục sống thân cận người dân, chăm lo tìm hiểu cuộc sống của người ta và luôn luôn tìm cách để lên tiếng cho những vấn đề của người dân” (Phỏng vấn của đài Á châu Tự do ngày 12-06-2008). Giáo sư Tương Lai, một trí thức cỡ bự của chế độ, cũng thiết tha cao giọng: “Con người ấy, cho đến khi đột ngột ra đi, vẫn trước sau như một là con người hết lòng vì sự nghiệp của dân tộc, của Đảng, tuyệt đối trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh nên đã học theo bản lĩnh và sự kiên trì thuyết phục của Hồ Chí Minh để không chút mệt mỏi, ngừng nghỉ phấn đấu cho mục tiêu chân chính trước mắt cũng như lâu dài của đất nước. Mục tiêu trước mắt và lâu dài ấy được đúc kết qua trải nghiệm một người chiến sĩ cách mạng biết vượt lên chính mình, biết và dám học hỏi quần chúng” (Trái tim Võ Văn Kiệt vẫn đập mạnh trong mạch sống dân tộc!). Rồi người ta còn trích lại những câu nói nổi tiếng của ông trong thời gian gần đây: “Phải rèn tập cho xã hội Việt Nam một thói quen của đời sống dân chủ. Trong đó quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu... cần được mở rộng hơn nữa” (Góp ý cho Đại hội X đảng CSVN), hoặc “ Đất nước VN không phải của riêng ai… Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả ”, hoặc “Hiện nay người nghèo, những hộ thu nhập thấp những người phải chạy ăn từng bữa, trên thực tế, chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng trong khi chính họ gần như phải lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra… Việt Nam cần có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”… Báo chí công cụ, vốn luôn đi lề bên phải dưới cây gậy chỉ huy của Ban Văn hóa Tư tưởng trung ương, nay tạm nén nỗi đau hai nhà báo vụ PMU 18 bị tù, để đồng loạt tung ra nhiều danh hiệu rất oai phong về nhân vật này, nào là “Thủ tướng miệng nói tay làm”, “L ãnh đạo kiệt xuất thời kỳ Đổi mới”, nào là “ Nhà phản biện xã hội sắc sảo”, “Tổng công trình sư nhiều dự án táo bạo”... Thậm chí những công trình nhiều tai tiếng có ông góp phần nay cũng được cho là những thành tích nổi bật, như Công trình đường tải điện 500Kv, Cảng Dung Quất, Khu công nghiệp lọc hoá dầu Dung Quất… (x. Tâm Chánh, Hiện tượng Võ Văn Kiệt, http://www.sgtt.com.vn) 2- Thế nhưng, người ta không quên rằng thời kỳ Võ Văn Kiệt làm thủ tướng (1991-1997) là thời kỳ có những vụ án chính trị tối tăm và tàn khốc: Tháng 11-1991: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị xử 20 năm tù và 5 năm quản thúc tại gia, cùng với nhà báo Châu Sơn Nguyễn Văn Thuận án 10 năm, trong một phiên tòa chớp nhoáng, không có luật sư biện hộ và không cho công chúng tham dự. Tháng 5-1992: Luật sư Đoàn thanh Liêm bị xử 12 năm tù vì bài viết “Năm Điểm Thỏa Thuận Căn Bản” nhằm đặt cơ sở luận lý và pháp lý cho một Hiến Pháp tương lai. Tháng 3-1993: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt bị xử 15 năm tù, và những bạn đồng chí hướng khác với mức án trên dưới 10 năm, vì ấn hành tờ báo bí mật “Diễn Đàn Tự Do”. Tháng 12-1993: Việt kiều Kỳ Ngọc Thanh và 4 người thuộc Liên Minh Hùng Gia Đại Việt cùng 2 nông dân với bản án tổng cộng 47 năm, về vụ thực hiện Chiến Dịch Nguyễn Trãi đòi hỏi đa nguyên đa đảng, và tổ chức 150 nông dân biểu tình trước Sở Thú Sài Gòn vào ngày 20-5-1991 nhằm yêu cầu giải quyết công bằng ruộng đất. Tháng 8-1995: Giáo sư Nguyễn Đình Huy bị xử 15 năm tù giam, và những bạn đồng chí hướng khác với mức án trên dưới 10 năm, vì hoạt động trong Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc Và Xây Dựng Dân Chủ, tiến hành tổ chức công khai Hội Nghị Quốc Tế Về Vấn Đề Phát Triển Việt Nam tại Sài-gòn. (Theo Nguyễn Công Bằng, Ông Võ Văn Kiệt có công hay có tội?). Rồi ngày 14-04-1997, Nghị định 31/CP do chính ông ký ban hành lúc gần cuối nhiệm kỳ Thủ tướng, với tên gọi “ Quản chế hành chánh”, là một công cụ pháp luật cực độc chủ yếu để trấn áp các nhân vật tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, nói cụ thể là để bắt giam mọi đối tượng manh nha có ý tưởng đi ngược lại đường lối đảng, mà không cần lệnh bắt hay tạm giam, cũng không cần chứng cứ hay quy trình xét xử. S áng kiến biến nhà ở thành nhà ngục này (độc đáo nhất trên thế giới) còn có cái lợi là tránh cho Nhà nước những khoản chi phí mà chính gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Đây là bộ phận ổn áp chính trị mà “đảng ta” cần có bằng mọi giá trên bình diện cả nước vốn đã gia tăng quá nhiều điểm nóng rập rình nối kết với nhau. Có người xiển dương rằng đó mới chính là “tuyệt tác” của ông, và là công trạng lớn nhất mà ông đã cống hiến cho đảng!!! Ô ng cũng là người quyết định lập Tổng cục 2, một “cơ chế quyền lực trên quyền lực” dành cho Lê Đức Anh, Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh trong bộ máy nhà nước và đảng CSVN, nhằm lũng đoạn Bộ quốc phòng, Bộ công an, trù dập những người cộng sản khác chỉ vì phe cánh và quyền lợi. Chính Tổng cục này còn làm mưa làm gió cho tới hôm nay. Cũng đừng vội quên ông đã từng đi Bắc Kinh cùng với Đỗ Mười để ký văn kiện bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh hồi tháng 10-1991, dọn đường cho việc ký kết hai văn kiện nhường bớt lãnh thổ ngày 30-12-1999 và nhường bớt lãnh hải ngày 25-12-2000, cũng như cho việc Trung Quốc hợp thức hóa việc chiếm cứ Hoàng Sa và Trường Sa cuối năm rồi, khiến dân tộc lâm vào nguy cơ mất nước và diệt chủng. 3- Thật ra, “cái tâm lo cho dân nghèo” như nói trên có lẽ đã biểu lộ qua bộ Luật Lao Động ra đời năm 1994 (giữa nhiệm kỳ của ông). Nhưng theo Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, “Bộ Luật này cấm người lao động thành lập công đoàn của mình, và tạo ra rất nhiều khó khăn để ngăn cản người lao động đình công. Trên giấy tờ thì bộ Luật này cho người lao động nhiều lợi ích, nhưng trên thực tế những điều đó không được thực hành, và do đó người lao động Việt Nam làm việc trong điều kiện tệ hại… Thành ra Võ Văn Kiệt được coi là một người cải cách kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa ông ta là người muốn cởi trói” (Chương trình Asia Pacific của Radio Australia ngày 11-06-08). Quan điểm của VVK về vấn đề Hòa giải hòa hợp dân tộc thì tuy khá hơn lập trường của Bộ chính trị khi ông nói lên ý kiến của mình vào dịp 30-4-2005 là không nên “một chiều” gây phản cảm vì có người vui sướng, có kẻ đau buồn,... nhưng ông vẫn chưa dám nêu lên những sai lầm cụ thể như chính sách trả thù “quân Ngụy”, chiếm đóng Miền Nam như một thứ thực dân (thực dân bản địa), bỏ tù hàng chục vạn sĩ quan viên chức cũ, phân biệt đối xử, gây nên thảm họa thuyền nhân, từ đó tỏ ra hối hận và xin lỗi những nạn nhân do các chính sách ấy gây ra... Cuối cùng, lập trường dân chủ của ông cũng không đi ra ngoài khuôn khổ của độc tài độc đảng. Ông đã chẳng bao giờ nêu lên vấn đề đa đảng đa nguyên, nói thẳng những sai lầm căn bản của chủ nghĩa CS cũng như của chế độ toàn trị CS thối nát và bất lực, phản biện lại chủ trương “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, ngăn chận sự áp đặt vô lý các chương trình học tập chính trị Mác-Lê rác rưởi ở các cấp trung học và đại học. Tuy ông có nhiều phát biểu công kích việc làm của giới lãnh đạo CS, nhưng những chỉ trích này chỉ giới hạn trong lãnh vực dân sinh. Vả lại chỉ nói thẳng một khi đã mất hết quyền hành. Ông không dám bước qua lằn ranh chính trị, nên những chỉ trích của ông đối với chế độ Hà Nội -do thành tâm phục thiện ? do cắn rứt lương tâm hay do vai trò van giảm áp lực?- đã không làm thay đổi tình hình như người ta chờ đợi suốt 10 năm (1997-2008) về hưu của ông. Nói cho cùng, độc tài thì không bao giờ có tự do, độc đảng thì không bao giờ có dân chủ. Chuyên chế, toàn trị, giữ chặt quyền hành bằng dối trá và bạo lực thì đừng nói đến lòng yêu nước thương dân. Có thương chăng nữa là thương một bầy đàn người đang lầm lũi bước đi dưới ngọn roi của đảng toàn trị. BAN BIÊN TẬP


TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________