1.6.10

Xã luận 98

Sau 35 năm, ai thắng ai???

Cách đây hơn 20 thế kỷ, vào thời Xuân Thu, nhà binh pháp số một của nhân loại là Tôn Tử có nói (đại ý): “Chiếm được thành quách mà không chiếm được lòng người thì cũng kể là thất trận”. Cuối thế kỷ thứ 20, một lãnh đạo tinh thần hàng đầu của thế giới là bà Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare với hàng triệu thành viên, cũng nhắc nhở: “Những chiến tích không có tình yêu thì chỉ tày là mây khói”.

Trong những ngày này, tại Việt Nam và tại các đại sứ lãnh sự quán của Việt cộng (VC) trên khắp hoàn cầu, nhà cầm quyền Cộng sản đang tưng bừng tổ chức cái gọi là “35 năm giải phóng miền Nam, chiến thắng Mỹ ngụy”. Những đoạn phim, những hồi ký phía CS về ngày 30-04-1975 được chiếu đi chiếu lại, nhắc đi nhắc lại để cho toàn dân trong nước thấy được “cuộc chiến thắng lẫy lừng dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng”.

Quả là có một “chiến thắng” khi chiếc xe thiết giáp T54 của Cộng quân húc đổ cổng Dinh Độc lập, đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, và khi toàn bộ Quân lực miền Nam buông súng. Tiếp theo đó là những lời huênh hoang của các lãnh đạo CS đương thời, nào là “Đế quốc Mỹ đã thua trận”, nào là “Từ đây lịch sử sẽ có một cột mốc mang tên: Thế giới sau VN!”, nào là “Trong 10 năm tới chúng ta sẽ vượt Nhật, và 15 năm tới sẽ vượt Mỹ” v.v…. Men “chiến thắng” của CS cũng bày tỏ qua nhiều hành động đáng được ghi vào lịch sử: xua đuổi hoặc giết bỏ các thương binh VNCH để chiếm lấy các quân y viện, trục xuất khỏi nhà thân nhân các quân cán chính miền Nam không may có cơ ngơi hơi khá to đẹp, kìn kìn khuân vác chuyên chở bao tài sản công lẫn tư ra miền Bắc, chia chác cho nhau đất đai nhà cửa của kẻ thua trận, gọi đấy là chiến lợi phẩm, tìm cách “mượn vĩnh viễn” vô số cơ sở của các giáo hội… Tuy nhiên, đó chỉ mới là những hành động ăn cướp kiểu đột xuất. Phải ăn cướp có chính sách thì mới chứng tỏ ta là người chiến thắng oanh liệt! Thế là những chủ trương thâm độc ra đời: nào là “xây dựng kinh tế mới” để tước đoạt nhà cửa của cư dân thành thị miền Nam, nào là “cải tạo công thương nghiệp” để cướp bóc và phá hủy hạ tầng cơ sở đầy hữu hiệu của nền kinh tế tư bản, nào là “cải tạo tư tưởng chính trị” để đọa đày hàng triệu quân cán chính VNCH -tài nguyên đất nước- trong vô số trại tù khủng khiếp mang mỹ danh lừa dối “trại cải tạo”, để tống ra khỏi mọi cơ quan công quyền, mọi cơ sở giáo dục ở miền Nam những “đầu óc ngụy độc hại” vốn cũng là nguyên khí quốc gia, để tịch thu phá hủy bao kho tàng văn hóa từ văn chương, âm nhạc tới mỹ thuật, từ tủ sách thư viện tới thánh thất miếu đình, từ lễ hội nhân gian đến lễ hội tôn giáo, nào là “san bằng lợi tức, thực hiện công bình xã hội” qua mấy chiến dịch hoán đổi tiền, đăng ký vàng nhằm mục đích vét sạch túi nhân dân và vô sản hóa quần chúng ngoài đảng. Đó là chưa kể chủ trương bán bãi, săn lùng người vượt biên chỉ nhằm mục tiêu chủ yếu là cướp nữ trang vàng bạc của những ai không chịu đựng nổi chế độ mà muốn thoát ra nước ngoài.

Và đây chính là một trong những dấu hiệu của việc chiến thắng trở thành chiến bại. Sự thất bại này có nhiều mặt. Trước hết thất bại về mặt nhân tâm. Ngay trong những tháng ngày hấp hối của chế độ Sài Gòn, hàng triệu người miền Nam đã dùng đủ mọi cách để vào nam, “chạy giặc CS”, trốn “đoàn quân giải phóng” như trốn ôn dịch. Sau đó vài tháng là hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, rồi cả triệu người dân miền Nam (những ai có cơ may và phương tiện), thậm chí cả một số dân miền Bắc, đã “bỏ phiếu bằng chân”, liều mạng tìm đường thoát khỏi “thiên đường xã hội chủ nghĩa” bằng tất cả mọi phương tiện. “Nạn thuyền nhân” như tên gọi hiện giờ là những trang bi hùng nhất của lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc. Hiện nay, cuộc đào thoát khỏi chế độ vẫn còn tiếp diễn, dưới hình thức kết hôn với Việt kiều, du học không về nước, đoàn tụ theo diện bảo lãnh, làm công nhân xuất khẩu rồi trốn ở lại… Nhưng trước đó phải kể đến sự thất vọng, ngỡ ngàng và đau xót của bao chiến binh hay dân thường miến Bắc lần đầu tiên vào được miền Nam, thấy được cảnh sống sung túc, bầu khí tự do, trình độ phát triển và tinh thần nhân bản của VNCH. Ai quên được những giòng nước mắt tức tưởi của nhà văn Dương Thu Hương ngồi xuống bên vệ đường thành phố Sài Gòn tháng 5 năm ấy, và lời tuyên bố cay đắng sau đó của bà: “Cuộc chiến giải phóng miền Nam là cuộc chiến ngu xuẩn nhất trong lịch sử dân tộc”. Nhạc sĩ Tô Hải, một người từ trong lòng chế độ ở miền Bắc, cách đây khá lâu cũng nhận định: “Đây là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho một chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người đang âm mưu làm Vua của cái nước VN khốn khổ này bằng chiêu bài Độc lập, Tự do mà ở các nước người ta đã có từ nửa thế kỷ trước nay rồi, vì người ta may mắn thay đã không có đảng Cộng sản cai trị!” Ông còn nói thêm về động lực gây nên cuộc chiến đó là chủ nghĩa cộng sản: “Đấy chính là một tà giáo đại bịp nhất trong lịch sử loài người mà những tên lãnh tụ tối cao của chúng dựa vào đó để gây chiến tranh nồi da xáo thịt, để tiến hành âm mưu hiểm độc tiêu diệt mọi lòng tin khác, mọi nhận thức, mọi tình cảm, mọi tình yêu, kể cả lòng yêu nước của con người!”.

Tiếp đến là thất bại về mặt kinh tế. Những chính sách như cải tạo công thương nghiệp, đưa miền Nam hòa nhập vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, những chủ trương như đổi tiền, tự sản tự tiêu, ngăn sông cấm chợ, bãi chợ đông đồng… thập niên 1975-1985 đã đẩy đất nước đến bờ vực thẳm. Cuộc “đổi mới kẻo chết” do toàn dân uất ức đòi hỏi (chứ không do nhận định sáng suốt của đảng như CS tuyên truyền) đã đưa đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, tự do buôn bán làm ăn sản xuất khiến người dân dễ thở hơn một chút. Nhưng cũng vì thòng cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, dành ưu tiên cho “kinh tế quốc doanh, công ty nhà nước”, dựa nguyên tắc “đất đai nhân dân chỉ có quyền sử dụng” (còn quyền quản lý -thực chất là quyền sở hữu- thuộc nhà nước, thuộc đảng), đưa ra những chương trình quy hoạch đất đai, mở rộng đô thị, xây dựng khu chế xuất, mời gọi đầu tư nước ngoài… bất chấp sự bảo vệ môi trường, sự an sinh của dân chúng, sự tôn trọng tài sản công dân, sự đồng bộ trong kế hoạch phát triển, cộng thêm nạn “quy hoạch treo”, “lãnh chúa địa phương”, “cường hào ác bá”… tất cả đã tạo nên một thiểu số tư bản đỏ giàu sụ, sống xa hoa, thuộc giai cấp thượng lưu, bên cạnh một thiểu số trung lưu và đại đa số nhân dân bị đẩy vào giai cấp hạ lưu nghèo khổ… Đất nước hiện sống còn nhờ dựa vào việc bán tài nguyên (, mượn vốn quốc tế, trông chờ kiều hối hải ngoại…

Thất bại về mặt ngoại giao quốc phòng. Năm 1975 chiến thắng nhờ đàn anh Trung Cộng, VC càng hí hửng tin vào tình quốc tế vô sản, nghĩa đồng chí anh em (niềm tin này có từ thời tên quốc tặc HCM). Thế nhưng bang giao quốc tế chỉ là vấn đề quyền lợi dân tộc, nghĩa tình cộng sản chỉ là cá lớn nuốt cá bé, trong tội ác (nhất là tội ác xâm lăng) không có đồng chí mà chỉ có đồng lõa, sẵn sàng phản bội nhau khi chia chác chiến lợi phẩm. Liền sau chiến thắng, Trung cộng đã đòi trả nợ. Khổ nỗi đầu óc bành trướng đại Hán chỉ đòi trả bằng đất đai. Thế là VC phải để yên cho TC xây dựng Hoàng Sa mà chúng đã chiếm của VNCH một năm trước đó. Tới năm 1979 lại đành mất một số cao điểm chiến lược trên vùng biên giới phía Bắc. Năm 1999 rồi 2000 lại dâng tiếp cho quan thầy gần cả ngàn km2 lãnh thổ và trên mười ngàn km2 lãnh hải. Năm 2008 lại để cho Tàu vào tận trong đất nước qua dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, qua chủ trương cho thuê rừng quốc phòng và rừng phòng hộ. Song song đó là để cho lân quốc Bắc phương, kẻ thù truyền kiếp, xâm lấn quốc gia về mặt kinh tế, văn hóa, chính trị. Chiến thắng cho độc lập tự do đâu chả thấy, chỉ thấy đất nước, nhất là Bộ Chính trị đảng, ngày càng vào trong cái rọ của Tàu đỏ.

Thất bại về mặt chính trị. Ngay từ thập niên 70-80, đã có những cuộc nổi loạn của nhiều tổ chức vũ trang muốn phục quốc, những phản kháng bất bạo động của một số thường dân hay tín đồ bị chèn ép, sự bất mãn của nhiều chiến binh, cán bộ thấy mình bị lợi dụng xương máu, lường gạt lý tưởng… Đến cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, phong trào phản kháng tại quốc nội và ở hải ngoại ngày càng dâng cao. Nhiều nhóm, khối, tổ chức, chính đảng phi cộng và chống cộng trong nước xuất hiện. Họ mạnh mẽ tố cáo những tội ác, vạch trần những sai lầm của chủ nghĩa, chế độ và chính đảng CS. Họ truyền bá cho dân những ý niệm về tự do, nhân quyền, công bằng, dân chủ, để nêu bật tính đàn áp, phi nhân, bất công, độc tài của chế độ. Nhiều tín hữu và chức sắc, nhiều tổ chức và cộng đồng giáo hội cũng đứng lên, một mặt kêu gào tự do tôn giáo, một mặt đòi hỏi công lý nhân quyền, qua những bài quan điểm, những buổi cầu nguyện, những cuộc tập hợp, những lần biểu dương trước tòa, những chiến dịch bất tuân dân sự… Mới đây lại có phong trào tố cáo sự can thiệp của CS vào nội bộ tôn giáo và sự thỏa hiệp của một số chức sắc quan trọng. Vô số trí thức và sinh viên học sinh cũng tổ chức những cuộc xuống đường chống ngoại xâm lẫn nội xâm, thiết lập những trang dân báo điện tử, những diễn đàn liên mạng để bày tỏ chính kiến trước những vấn đề của đất nước xã hội, hình thành những tổ chức dân sự, phi chính phủ (hay tự giải thể) để bày tỏ lập trường…. Cộng đồng người Việt hải ngoại cũng ngày càng nêu cao chính nghĩa của tự do dân chủ, tinh thần của VNCH qua vô số hoạt động như tẩy chay tham dự, biểu tình phản đối những gì là của Việt cộng, như hiệp thông bênh vực, ủng hộ tài trợ cho phong trào dân chủ trong nước, như thông tin cho quốc tế, vận động các chính khách về mặt thật chế độ, hiện thực Việt Nam… Tất cả những điều trên cho thấy sau 35 năm, những ai và cái gì mới thực sự chiến thắng. Như trong tôn giáo, người chiến thắng là vị tử đạo kiên cường giữ vững đức tin dù phải bị bắt quỳ trước kẻ ngồi ngai bách hại, thì trong chính trị xã hội cũng vậy, người chiến thắng là người đang xác tín, đang theo đuổi và đang nỗ lực thực hiện các giá trị dân chủ nhân quyền, dù tạm thời bị tà lực độc tài đàn áp. Bởi lẽ chiếm được thành, được nước mà không chiếm được lòng người như Tôn Tử nói thì chiến thắng cái nỗi chi???

BAN BIÊN TẬP


TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU


______________________________________________________