1.6.10

Xã luận 99

Không đội trời chung!!!

Mang bản chất vô thần (chống lại quyền uy Thượng Đế) và phi nhân (khinh khi phẩm giá con người) trên phương diện triết lý, cùng lúc khoác tính cách độc tài (một mình quản lý xã hội) và toàn trị (kiểm soát mọi mặt của đời sống con người) trên phương diện chính trị, chủ nghĩa, chế độ và chính đảng Cộng sản không bao giờ thôi coi mọi tinh thần, thực thể và thế lực dân chủ cũng như tôn giáo là kẻ thù không đội trời chung. Cộng sản chỉ đội trời chung cách bất đắc dĩ với các thực thể này khi chưa khống chế và kiểm soát được họ (nhưng vẫn luôn nuôi tham vọng thôn tính và thống trị, thời còn Liên Xô và Đông Âu thì qua chiêu bài “chung sống hòa bình” và nay với Trung Cộng thì qua chiêu bài “Một thế giới một giấc mơ”). Bằng chứng là kế hoạch bá chủ toàn cầu mà Trung Cộng đang cưu mang và nỗ lực thực hiện từng ngày trên phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học... với sự tiếp tay nhiệt tình của tên đầy tớ Việt cộng. Còn ở nơi nào mà cộng sản đang cai quản dưới bàn tay sắt, như trong những quốc gia “xã hội chủ nghĩa”, thì chỉ có một mình đảng đội trời, còn tất cả (từ cá nhân đến tập thể, từ dân sự đến tôn giáo) đều phải đội đảng, đội đảng lên đầu, nếu muốn yên thân tồn tại và bình thường sinh hoạt.

Trong não trạng duy mình đội trời đó, suốt tháng tư đen kỷ niệm Quốc hận này, CSVN một đàng ăn mừng “chiến thắng đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, hả hê vì đã trừng trị “bọn xâm lược ngoại quốc cùng lũ tay sai quốc nội”, tiếp tục tự đắc là “không ai trên thế giới dám động đến nước ta và đảng ta” (đặc biệt trên báo chí) ... Đủ thứ diễu hành, biểu tình, triển lãm, hội họp, bắn pháo hoa đầy kiêu căng và hợm hĩnh, đầy khoa trương và tốn kém (đến hàng trăm tỷ bạc). Mặt khác, CS lại tiếp tục chính sách thâm nhập, lũng đoạn, khống chế, khuynh loát để thôn tính gọn cộng đồng người Việt hải ngoại giàu nhân lực, tài lực và vật lực mà CS luôn thèm chảy nhỏ rãi qua chiêu bài “hòa giải hòa hợp”. Tuy nhiên vẫn cứ là não trạng cha chú, ban ơn, trịch thượng: cho được hòa hợp hòa giải, cho được cầm tay đảng đã chìa ra trước; vẫn cứ não trạng chỉ mình đảng có chính nghĩa, ai phê bình nhà nước, chống báng chế độ, đòi hỏi hòa giải hòa hợp đích thực trong điều kiện có dân chủ tự do đều là kẻ vô tri, mặc cảm hay thù địch với Quê hương Dân tộc. Như lời bà Nguyễn Thị Bình nói trong cuộc phỏng vấn của báo Tuần VN ngày 28-4-2010 “Nhiều người từng ra đi, đã trở về. Dĩ nhiên cũng còn nhiều người vẫn chưa hiểu rõ chính sách của Nhà nước, hoặc còn mặc cảm... hoặc có một số vẫn giữ một thái độ thù địch đối với chế độ, đối với đất nước. Nếu nghĩ rằng những người "chiến thắng" phải chủ động ra tay trước, thì thực tế Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã chìa tay ra, tạo điều kiện để người VN khắp nơi có thể trở về, xây dựng quê hương” hoặc như Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao CSVN nói trong thư gửi dân biểu Hoa Kỳ Cao Quang Ánh ngày 31-03-2010: “Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài dự kiến tiến hành chuyến đi tới Mỹ và Canada với mục đích gặp gỡ và tiếp xúc với cộng đồng người VN, trong đó có cả những cá nhân, tổ chức còn thiếu thông tin đúng đắn về VN và vẫn còn mang tư tưởng hận thù cùng những lời nói, việc làm chống lại Nhà nước VN”. Hay lời của tay cán bộ tên Võ Khánh Linh trong Thư ngỏ (ngày 06-05-2010) gửi ông Cù Huy Hà Vũ về bài trả lời phỏng vấn đài VOA hôm 30-4-2010: “Giờ đây ông mượn khối hận thù của một bộ phận nhỏ người Việt hải ngoại này để lên án Đảng chưa thực lòng hoà hợp, hoà giải, đi tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng…”. Những lời tuyên bố của các cán bộ CS trên, một lần nữa cho thấy trong ý định của Hà Nội, hòa giải hòa hợp vẫn chỉ là chiêu bài để nắm cho được cộng đồng người Việt tự do, buộc họ quay về dưới trướng CS, đem công sức khuyển mã xây dựng chế độ dưới sự lãnh đạo toàn diện đảng. Không thể nào có sự cộng tác mà chỉ có sự tham gia, không thể nào có sự ngang hàng mà chỉ có sự tuân phục.

Còn đối với người trong nước, quần chúng bị trị, thì đã, đang và sẽ không bao giờ có vấn đề hòa giải hòa hợp, bởi lẽ như đã nói, chỉ một mình đảng đội trời còn tất cả phải đội đảng. Bằng chứng là điều 4 Hiến pháp vẫn còn đó, các cuộc đàn áp dân chủ với những phiên tòa bất công và bản án nặng nề vẫn còn đó (ví dụ các cuộc phúc thẩm trong thời gian gần đây), các màn cướp đất đai nhà cửa nông dân và thị dân để làm giàu cho đảng vẫn còn đó, các trận tấn công lực lượng dân báo vẫn còn đó (như trung tướng công an Vũ Hải Triều mới khoe đã đánh sập 300 trang blog cá nhân và mạng dân chủ), chủ trương đảng hóa hành pháp, lập pháp, tư pháp, công an, quân đội, học đường, báo chí vẫn còn đó. Tuy nhiên có một lực lượng, một thực thể trong nước mà đảng phải luôn nỗ lực để khống chế cho bằng được, bắt đội đảng cho bằng được, đó là các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo. Xâm nhập tận các cơ quan quyền lực cao nhất của GH, khống chế mọi lãnh vực và nhân sự của GH, khuynh loát mọi sinh hoạt của GH, biến GH thành công cụ qua chiêu bài “đối thoại cộng tác”. Và đảng xem ra thành công qua vụ việc rất gần đây, vụ Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội.

Theo nhận định chung, mọi việc bắt đầu từ ngày 15-12-2007, khi Đức TGM Ngô Quang Kiệt, đang cai quản Tổng giáo phận Hà Nội, viết cho giáo dân một bức thư về khu đất Tòa Khâm sứ, vốn đã bị nhà cầm quyền tước đoạt sau khi đại diện của Vatican bị trục xuất năm 1958. Ngài kêu gọi họ cầu nguyện để khu đất được trả lại. Thế là giáo dân lẫn giáo sĩ đã đáp ứng, mở đầu cho một phương cách đấu tranh mới. Bằng đọc kinh ca hát, bằng thắp nến cầu nguyện, bằng rước đặt tượng ảnh, người Công giáo Hà Nội (và sau đó là từ nhiều giáo phận khác) đã biểu lộ ý chí khẳng định quyền sở hữu của GH. Nhà nước cũng vội ra tay: khóa cổng Tòa, sách nhiễu các giáo dân, đánh đập trọng thương người cầu nguyện. Đầu năm 2008 nổ ra tiếp vụ Giáo xứ Thái Hà. Cũng theo một trình tự: giáo dân cầu nguyện, canh thức, công an bao vây, đàn áp, đánh đập, xử tòa.

Thế rồi Vatican can thiệp: yêu cầu dẹp bỏ. Ngày 30-01-2008, Hồng y Quốc Vụ khanh Tòa thánh gửi thư cho Đức Tổng Hà Nội, yêu cầu dừng lại việc cầu nguyện vì lo ngại sự việc có thể dẫn tới những hành vi gây rối trật tự công cộng (y như lối cáo buộc của CS) và để dọn đường cho cuộc đối thoại với chính quyền. Chính quyền chỉ hứa hão và cướp thật. Tiếp đó, ngày 20-09-2008, trong cuộc họp với UBND Hà Nội, Đức Tổng Kiệt một đàng lên tiếng đòi hỏi tôn trọng pháp luật, yêu cầu trả lại đất đai, một đàng khẳng định tôn giáo là quyền lợi chứ không phải ân huệ, rồi bày tỏ ước mong quốc thể VN được tôn trọng ở nước ngoài. Thế là 3 hôm sau, Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội, gửi văn thư kiến nghị HĐGM “xem xét, xử lý nghiêm minh theo qui định của Giáo hội đối với TGM Ngô Quang Kiệt” và các linh mục ở Thái Hà. HĐGM đã trả lời ông: "Chúng tôi thấy các vị này không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo hội Công giáo". Một kiểu trả lời tiêu cực, thay vì bênh vực thái độ của Đức Tổng Kiệt đòi hủy bỏ cơ chế xin-cho và ủng hộ các Linh mục Thái Hà đòi công lý qua việc đòi linh địa. Tiếp đó là một cuộc tấn công quy mô của truyền thông CS nhắm vào Đức Tổng Kiệt lẫn các Linh mục Thái Hà và một nghị quyết trục xuất các vị này ra khỏi Hà Nội, nhưng HĐGM chẳng thấy nói thêm gì.

Ngày 6-1-2010, các lực lượng vũ trang CS lại triệt hạ và đập phá Thánh giá bêtông trên một ngọn núi thuộc giáo xứ Đồng Chiêm đồng thời ném lựu đạn cay và đánh đập tàn nhẫn một số tín hữu. Việc xúc phạm đến biểu tượng thánh thiêng nhất của đức tin Kitô giáo và Giáo hội này đã gây xúc động lớn. Đồng bào công giáo tuốn về Đồng Chiêm; khắp nơi, kể cả tại hải ngoại, có những buổi hiệp thông cầu nguyện. Thế nhưng, mãi một tuần sau, 14-1-2010, trên trang mạng của HĐGM, một văn bản tựa đề “HĐGMVN: Lên tiếng hay không lên tiếng” đã bày tỏ thái độ: «không lên tiếng về và nhằm giải quyết từng vụ việc nhưng lên tiếng bằng cách đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mình… nhằm góp phần xây dựng xã hội, một xã hội vì con người và một xã hội phát triển toàn diện». Nghĩa là xem ra mỗi địa phương bị đàn áp thì tự lo liệu lấy, HĐGM không liên can và can thiệp gì cả!

Kể từ đó, có tin Đức TGM Ngô Quang Kiệt lâm bệnh nặng, phải đi tĩnh dưỡng một thời gian dài tại tu viện Châu Sơn, Ninh Bình, rồi ngày 4-3-2010 lại đi Rôma để chữa bệnh và dưỡng sức tiếp. Song song đó, lại có tin Tòa thánh (theo đề nghị của một chức sắc người Việt tại Rôma được CS ve vãn) sẽ bổ nhiệm một vị TGM phó với quyền kế vị, và người đó không ai khác hơn là Đức GM Nguyễn Văn Nhơn, đang cai quản Giáo phận Đà Lạt đồng thời làm Chủ tịch HĐGM. Vị này lâu nay nổi tiếng ở việc kín tiếng: chưa bao giờ lên tiếng về các vụ bách hại tôn giáo tại tòa Khâm sứ, các xứ Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Cồn Dầu…, tại các tu viện ở Nha Trang, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Sài Gòn…; chưa bao giờ lên tiếng về các vụ xâm hại quyền con người và quyền đất nước, như việc khai thác bauxite ở Lâm Đồng, việc lãnh thổ, lãnh hải và biển đảo bị Trung cộng xâm lấn, việc công nhân lao động bị bán ra nước ngoài, việc hàng triệu thai nhi bị giết mỗi năm, việc hàng trăm ngàn dân oan bị cướp đất đai nhà cửa… Một việc bổ nhiệm, tiếc thay, gây phản đối rộng khắp trong cộng đồng Công giáo người Việt.

Hôm 07-05 mới rồi, vị tân TGM phó 72 tuổi đã ra mắt tại Hà Nội, trong tình cảm dạt dào của giáo dân dành cho vị TGM chính 58 tuổi sắp ra đi. Và chỉ chưa đầy một tuần sau, đêm 12-05, Đức Tổng Kiệt đã rời VN trong sự luyến tiếc thương cảm của cộng đồng Công giáo trong lẫn ngoài nước cũng như của rất nhiều đồng bào nhìn thấy ngài là biểu tượng của công lý và sự thật, đồng thời cũng trong sự hả hê của nhà cầm quyền CS vì đã triệt hạ được một chướng ngại lớn lao trên con đường công cụ hóa GH. CS có thành công trong việc bắt Công giáo và mọi tôn giáo đội đảng để một mình đảng đội trời chăng? Chúng ta hãy chờ xem!

BAN BIÊN TẬP

TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU


______________________________________________________